Bình Nhưỡng đã phát hành tem và xây dựng tượng đài để ca ngợi những vụ thử nghiệm tên lửa trong khi các nhà khoa học tên lửa và hạt nhân được vinh danh như những người hùng dân tộc.
Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, việc từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân chính là sự đảo chiều đầy kịch tính đối với một nhà lãnh đạo lâu nay không chỉ đặt cược sự an nguy của bản thân vào kho vũ khí hạt nhân, mà còn nhiều năm trời công khai ca ngợi loại vũ khí này là một phần không thể thiếu đối với tính hợp pháp và sức mạnh của chế độ.
Người dân Triều Tiên vui mừng xem thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwangson-14 vào ngày 5-7-2017. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, phái đoàn Hàn Quốc gặp gỡ ông Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng vào đầu tháng này khẳng định nhà lãnh đạo Triều Tiên "cam kết phi hạt nhân hóa" và mong muốn "gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm nhất có thể".
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn im lặng trước thông tin trên, giới phân tích hoài nghi về ý định từ bỏ chương trình hạt nhân của ông Kim Jong-un vốn được ông và gia tộc họ Kim phát triển trong nhiều thập kỷ.
Thay vào đó, ông Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ tìm cách tiếp cận đa dạng và dài hạn hơn, khiến người dân Triều Tiên nghĩ rằng ông là người chiến thắng. "Ông Kim Jong-un sẽ không cần phải khiến người dân Triều Tiên thất vọng, đặc biệt là khi phi hạt nhân hóa là một tiến trình kéo dài ít nhất 10 năm" - Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên của trang web 38 North thuộc trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), khẳng định.
Các cựu quan chức Hàn Quốc từng thương lượng với Triều Tiên trong quá khứ khẳng định khả năng Triều Tiên phi hạt nhân hóa là khó xảy ra nhưng không phải là không thể - nếu Mỹ chịu nhượng bộ, ông Kim Jong-un sẽ quay lại.
"Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tuyên truyền rằng ông đã thuyết phục Mỹ và cộng đồng quốc tế 'đầu hàng' bằng cách khống chế vũ khí hạt nhân… Nếu đàm phán diễn ra suôn sẻ, lệnh trừng phạt được nới lỏng và kinh tế Triều Tiên phát triển, người dân sẽ hiểu và ủng hộ mạnh mẽ quyết định phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong-un" – ông Kim Hyung-suk, cựu Thứ trưởng Thống nhất Hàn Quốc giai đoạn 2016-2017, khẳng định.
Ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau vụ phóng tên lửa Unha-3 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3 phiên bản 2 vào ngày 12-12-2012 Ảnh: Reuters
Thế nhưng, đó có thể không phải là kiểu cách thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hình dung khi ông lên kế hoạch đàm phán với ông Kim Jong-un vào tháng 5 tới, trong cuộc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mang tính lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Các cuộc thương lượng với Bình Nhưỡng thất bại trong quá khứ khiến nhiều nhà quan sát, bao gồm cựu quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ Evans Revere, hoài nghi về khả năng thành công của các vòng đàm phán sắp tới.
Trong quá khứ, Triều Tiên từng tuyên bố sẽ cân nhắc từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc cũng như rút "chiếc ô hạt nhân" (sự bảo đảm của một quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân bảo vệ một quốc gia đồng minh không sở hữu vũ khí hạt nhân) ra khỏi Hàn Quốc lẫn Nhật Bản. Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu này.
Bình luận (0)