Hồi năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên giảm 3,5% so với năm trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ khi giảm 6,5% vào năm 1997.
Sản xuất công nghiệp giảm 8,5%, cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1997. Trong khi đó, sản lượng từ nông nghiệp và xây dựng cũng lần lượt giảm 1,3% và 4,4%.
Người đứng đầu Nhóm điều phối tài khoản quốc gia của BOK Shin Seung-cheol cho biết: "Các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên trong năm 2017 mạnh hơn so với năm 2016. Giao dịch thương mại bên ngoài giảm đáng kể do lệnh cấm xuất khẩu than, thép, thủy sản và các sản phẩm dệt may. Rất khó để đưa ra con số chính xác nhưng các lệnh cấm này tác động mạnh đến sản xuất công nghiệp".
GS chuyên ngành kinh tế tại Trường ĐH Quốc gia Seoul, Kim Byeong-yeon, nhận định: "Khoáng sản - cho đến nay là mặt hàng xuất khẩu mang lại nhiều lợi nhuận cho Triều Tiên – đang nằm trong danh sách trừng phạt. Bình Nhưỡng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đàm phán với Washington để loại bỏ các biện pháp trừng phạt".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) trong một chuyến thăm tỉnh Bắc Hamgyong. Ảnh: AP
Hồi tháng 4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược từ phát triển kho vũ khí hạt nhân sang "mô hình xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc".
Các ngành công nghiệp và lĩnh vực sản xuất than của Triều Tiên bị ảnh hưởng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) áp đặt lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cũng tiến hành lệnh trừng phạt cứng rắn lên người hàng xóm trong nửa cuối năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh đình chỉ việc mua than từ Bình Nhưỡng khiến nguồn thu của nước này sụt giảm. Ngoài ra, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên đã giảm 59,2% trong nửa đầu năm 2018 so với 1 năm trước đó.
GS Kim cho biết thương mại bị thu hẹp trước mắt tác động đến chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức hàng đầu, sau đó ảnh hưởng đến các thị trường không chính thức.
Thị trường chợ đen ở Triều Tiên, còn gọi là Jangmadang, được dịp phát triển mạnh và chiếm khoảng 60% giá trị nền kinh tế. Đây là nơi giao dịch hàng tiêu dùng của Trung Quốc hoặc các sản phẩm nông nghiệp, theo Viện Hội nhập Xã hội Hàn Quốc.
Trong khi đó, tổng thu nhập bình quân đầu người ở Triều Tiên đang ở mức 1,46 triệu won (1.283 USD)/năm.
Các thùng dầu thô ở ngoại ô TP Đan Đông - Trung Quốc, giáp biên giới Triều Tiên. Ảnh: KYODO
Gần đây nhất, hôm 20-7, Nga và Trung Quốc trì hoãn đề nghị dừng tất cả việc chuyển giao sản phẩm dầu tinh chế cho Triều Tiên mà Mỹ trình lên LHQ.
Trung Quốc là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho Triều Tiên bên cạnh Nga. Một nghị quyết trừng phạt của LHQ thông qua hồi năm ngoái chỉ cho phép Bình Nhưỡng nhập khẩu tối đa 4 triệu thùng dầu thô mỗi năm và 500.000 thùng sản phẩm dầu tinh chế.
Bắc Kinh và Moscow nói với Hội đồng Bảo an rằng họ cần thêm thời gian để xem xét yêu cầu của Mỹ cũng như cáo buộc của Washington về việc Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng hàng nhập khẩu bất hợp pháp.
Tuần trước, Mỹ khẳng định Triều Tiên đã vận chuyển ít nhất 759.793 thùng sản phẩm dầu bằng tàu thủy. Theo đó, tính đến ngày 30-5, Bình Nhưỡng đã thực hiện 89 vụ vận chuyển sản phẩm dầu mỏ tinh chế bất hợp pháp kể từ đầu năm nay.
Còn trên trang web Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an, Nga và Trung Quốc thông báo họ đã bán được khoảng 14.000 tấn xăng dầu tinh chế cho Triều Tiên vào năm 2018.
Bình luận (0)