Các vật thể nêu trên, nghi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bay được khoảng 200 km, đạt độ cao tối đa 50 km, trước khi rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trước đó một tuần, theo Reuters, Bình Nhưỡng đã nối lại hoạt động thử tên lửa sau 3 tháng.
Trong 10 ngày qua, theo thông báo của Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát 2 đợt diễn tập pháo binh hạng nặng trong các cuộc thử nghiệm vũ khí đầu tiên kể từ cuối tháng 11-2019. Ông Kim Jong-un đã bước vào năm mới với tuyên bố tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân và không bị ràng buộc bởi bất kỳ lệnh cấm thử nghiệm vũ khí nào.
"Ông Kim Jong-un tiếp tục thử nghiệm, cải thiện và vận hành lực lượng của mình" - ông Vipin Narang, chuyên gia Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nói về đợt phóng mới nhất của Triều Tiên.
Một người đàn ông ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc hôm 9-3 xem tin tức về vụ phóng vật thể bay của Triều TiênẢnh: REUTERS
Tuần trước, cô Kim Yo-jong, em gái của ông Kim Jong-un, đã có phản ứng gay gắt sau khi Hàn Quốc chỉ trích các đợt diễn tập nêu trên của Triều Tiên. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông Kim Jong-un đã gửi thư chia buồn cho Tổng thống Moon Jae-in liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hàn Quốc. Theo hãng tin AP, một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng dường như muốn làm Seoul bối rối trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt.
Riêng ông Leif-Eric Easley, chuyên gia của Trường ĐH nữ Ewha (Hàn Quốc), nhận định vụ phóng mới dường như cho thấy Triều Tiên đang tìm cách khai thác điểm yếu mà họ thấy được ở những quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Trong bối cảnh quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng cùng với việc Seoul - Washington hủy tập trận vì lo ngại Covid-19, Bình Nhưỡng có thể nhìn thấy một cơ hội nào đó. "Triều Tiên có thể đang gia tăng sức ép… vì họ nhận thấy khả năng đạt được những nhượng bộ chưa từng có từ các nước khác" - ông Easley nói với tờ The Japan Times. Đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn đang đình trệ do tranh cãi về chuyện nên nới lỏng trừng phạt bao nhiêu đối với Bình Nhưỡng để đổi lấy việc nước này có bước đi hướng đến từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)