Người ta bắt đầu bàn tán về một nhiệm kỳ “con vịt què” và tin rằng 2 năm còn lại ở Nhà Trắng của ông sẽ được dệt bằng chông gai như “kết án” của báo The Economist: “Ông Obama không thể thoát được một phán quyết bẽ bàng trên cương vị tổng thống”.
Thế nên, khi ông Obama công du châu Á, dư luận không cho là tiếng nói của ông còn đủ trọng lượng với đồng minh trong khu vực. Kết quả dường như trái ngược, như báo Mỹ The New Yorker rút tít: “Tuần lễ tốt không ngờ của Obama”.
Tại Bắc Kinh, ông Obama đạt thỏa thuận “lịch sử” với Trung Quốc để cùng chống lại biến đổi khí hậu. Đúng là các quan chức Mỹ đã mất gần cả năm trời đàm phán nhưng cũng không thể phủ nhận đây là thắng lợi lớn của tổng thống Mỹ.
Và nữa, bất chấp những chê bai “tầm thường, nhạt nhẽo” của báo chí Trung Quốc hay bị trách móc vì thói quen nhai kẹo sing-gum tại Hội nghị Cấp cao APEC, ông Obama vẫn được đám đông chức sắc và giới ngoại giao hào hứng mời chụp hình chung. “Ông Obama là ngôi sao ở Trung Quốc” - phóng viên Financial Times nhận xét.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định tiếp tục thúc đẩy các ưu tiên trong chính sách của mình Ảnh: AP
Trong vòng một tuần qua, tổng thống Mỹ đồng loạt “ra oai” trên các lĩnh vực nhập cư, biến đổi khí hậu và quản lý internet. Nóng bỏng hơn cả là câu chuyện cải cách nhập cư.
Trong cuộc họp báo tại Myanmar hôm 14-11, ông Obama khẳng định đã cho Hạ viện Mỹ hơn một năm để thống nhất với thượng viện về một dự luật nhập cư “nhằm củng cố biên giới, cải thiện hệ thống pháp luật nhập cư và đưa hàng triệu người ra khỏi nghịch cảnh”. “Nếu quốc hội không đưa ra được dự luật, tôi sẽ sử dụng mọi quyền hành hợp pháp để hành động và chuyện này sẽ xảy ra vào cuối năm nay” - ông nhấn mạnh.
Dĩ nhiên, phe Cộng hòa đời nào ngồi yên. Cả Chủ tịch Hạ viện John Boehner lẫn Chủ tịch Thượng viện sắp nhậm chức Mitch McConnell đều lên tiếng thúc ép tổng thống hợp tác. Một số gương mặt bảo thủ còn muốn thêm điều khoản “cấm sử dụng ngân sách cho kế hoạch nhập cư của tổng thống” vào dự luật ngân sách mới. Nhưng làm vậy đồng nghĩa với việc phe Dân chủ sẽ chặn luôn dự luật, không thì tổng thống cũng phủ quyết sau đó. Hậu quả cuối cùng là nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa một lần nữa.
Đổ thêm dầu vào lửa, Hạ viện Mỹ hôm 14-11 thông qua dự án xây dựng tuyến đường ống Keystone XL dẫn từ các mỏ dầu ở Canada xuống tận các nhà máy lọc dầu ở miền Nam nước Mỹ. Đây là lần thứ chín Hạ viện Mỹ thông qua dự luật gây tranh cãi chính trường suốt 6 năm qua này với lập luận đường ống sẽ giúp tăng việc làm và giảm giá khí đốt tại Mỹ. Bác bỏ điều này, Tổng thống Obama đã nhiều lần khẳng định sẽ phủ quyết dự luật.
Trước những cuộc so găng được dự báo, ông Obama từng khẳng định sẽ hợp tác với phe Cộng hòa song cũng thẳng thừng cảnh báo sẽ “đấu” với họ nếu cần. Tờ The New York Times nhận định mất quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội là cú đấm trời giáng song mặt khác lại giải phóng ông Obama khỏi nỗi canh cánh bảo đảm cho đảng của mình thắng lợi trong bầu cử giữa kỳ.
Giờ đây, tổng thống Mỹ có thể toàn tâm toàn ý cho những chiến lược dài hạn. Như thỏa thuận cắt giảm khí thải với Trung Quốc chẳng hạn, sẽ “chặn họng” những ông nghị Cộng hòa hay biện hộ cho việc ngăn chặn nỗ lực tương tự ở quê nhà bằng luận điệu cũ rích rằng các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ cũng không làm thế.
Thật ra, thỏa thuận trên và cả chính sách cải cách nhập cư - nếu được thông qua - có được ứng dụng lâu dài trong thực tế hay không còn phải trông chờ vào người kế nhiệm ông Obama song ít nhất tổng thống Mỹ đã có sự đổi giọng - được giới phân tích và báo giới Mỹ thừa nhận - là cứng rắn hơn!
“Ở Mỹ, tổng thống không có quá nhiều quyền lực để hành động đơn phương nhưng miễn là còn tại nhiệm, họ vẫn có cơ hội định hình các chính sách” - báo The New Yorker kết luận.
Bình luận (0)