Bên trong một khu vườn kế bên Tử Cấm Thành, 2 nhà lãnh đạo Trung – Mỹ thong thả dạo bộ và thảo luận về những vấn đề quan trọng.
Ông Obama cho biết Washington muốn tạo ra một mối quan hệ ở cấp độ mới với Bắc Kinh và khẳng định nếu “Mỹ và Trung Quốc có thể bắt tay hợp tác một cách hiệu quả thì cả thế giới sẽ được hưởng lợi”.
Phát biểu thông qua người phiên dịch, ông Tập trả lời mối quan hệ giữa 2 nước cần thời gian để phát triển. Ông Tập còn làm một phép ẩn dụ, cho rằng nhiều giọt nước vẫn chưa thể làm nên hồ bơi.
Sau khi kết thúc cuộc họp với Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus tối 11-11, Chủ tịch Tập Cận Bình mời ông Obama ăn tối riêng để chuẩn bị cho cuộc hội đàm chính thức diễn ra ngày 12-11.
Tại cuộc gặp mặt này, lãnh đạo Trung – Mỹ cùng công bố mục tiêu giảm khí thải carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính. Tổng thống Obama tuyên bố đây là động thái mang tính “lịch sử”, bên cạnh cam kết Mỹ sẽ giảm 26-28 % khí thải vào năm 2025 so với mức khí thải năm 2005.
Ngoài ra, ông Obama cho biết Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh để “làm chậm, giới hạn khí thải ở mức tối đa, sau đó đảo ngược quá trình thải khí carbon của Trung Quốc”.
Trong khi đó, phía Trung Quốc không đặt ra mục tiêu cụ thể mà chỉ cho biết lượng khí thải của nước này sẽ “đạt đỉnh” vào năm 2030. Lượng khí thải carbon của Trung Quốc vẫn đang gia tăng khi hàng loạt nhà máy điện than được xây dựng để tạo ra điện năng và hỗ trợ nền kinh tế vốn đang phát triển nhanh chóng.
Trung Quốc là nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới. Theo báo cáo của trung tâm nghiên cứu Tyndall và Trường ĐH Exeter (Anh), riêng khí thải ở Trung Quốc vượt qua lượng khí thải của cả Mỹ và châu Âu cộng lại.
Cụ thể, khí thải ở Trung Quốc sẽ tăng 4,5% lên 10,4 tỉ tấn trong năm nay, so với 5,2 tỉ tấn ở Mỹ và 3,4 tỉ tấn ở Liên minh châu Âu (EU). Cũng theo báo cáo này, đến năm 2019, lượng khí thải thế giới sẽ đạt 43,2 tỉ tấn, trong đó Trung Quốc chiếm 12,7 tỉ tấn.
Trung Quốc và Mỹ được xem là 2 quốc gia thải ra khí carbon gây biến đổi khí hậu lớn nhất thế giới, chiếm 45 % lượng khí thải toàn cầu.
Liên Hiệp Quốc trước đó đưa ra cảnh báo rằng tác động của sự nóng lên toàn cầu sẽ rất “nghiêm trọng, rộng khắp và không thể đảo ngược”, có thể dẫn đến các vấn đề như nước biển dâng cao, nguy cơ lũ lụt và thay đổi sản lượng cây trồng.
Ngoài ra, tại cuộc họp báo chung hiếm hoi tối 11-11, Tổng thống Obama đã khẳng định: “Mỹ không hề liên quan gì trong việc thúc đẩy các cuộc biểu tình ở Hồng Kông”. Theo ông, đó là những vấn đề do người Hồng Kông và Trung Quốc quyết định nhưng "Mỹ khuyến khích mọi người có quyền được bày tỏ và việc bầu cử ở Hồng Kông thể hiện ý chí của người dân ở đó”.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đáp lời rằng "vấn đề của Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc và các quốc gia khác không nên can thiệp”.
Bình luận (0)