Air Force One không hổ danh là pháo đài bay đích thực!
Nhìn từ bên ngoài, chiếc chuyên cơ dành riêng cho tổng thống Mỹ - Air Force One (tạm dịch: Không lực 1) trông cũng giống một chiếc máy bay Boeing 747-200B thông thường, với chiều cao gần bằng tòa nhà 6 tầng. Tuy nhiên, chính thức nó là Boeing VC-25A, phiên bản quân sự của Boeing 747-200B với độ cải tiến rất cao.
Sử dụng động cơ General Electric CF6 (GE), chiếc Air Force One có thể lướt nhanh tới hơn 1.100 km/h ở độ cao hơn 13,7 km. Gần 203.000 lít là lượng nhiên liệu được bơm cho Air Force One. Một khi nhiên liệu đầy bình, Air Force One có thể bay một hơi nửa vòng trái đất. Nó có thể được tiếp liệu giữa trời bằng 1 máy bay khác.
1. Air Force One không phải là tên máy bay
Người ta hay gọi chuyên cơ của tổng thống Mỹ là Air Force One song thực tế đó không phải là tên của nó, mà là số hiệu điều khiển không lưu.
Bất cứ chiếc máy bay nào mà ông chủ Nhà Trắng bước lên sẽ lập tức có mã “Air Force One”. Tuy nhiên, từ khi chiếc Boeing kể trên trở thành chuyên cơ, chưa thấy tổng thống Mỹ di chuyển đường dài trên máy bay nào khác.
2. Hai chiếc Air Force One cùng lên đường
Mỗi khi tổng thống Mỹ công cán, có tới 2 chiếc Air Force One xuất hiện trên bầu trời: một chiếc chở tổng thống và đoàn tùy tùng, chiếc kia bay theo sau chừng 5-7 phút để dự phòng. Số đuôi của chúng là 28000 và 29000.
3. Phòng Bầu dục trên không
Tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể điều hành đất nước từ trên không bởi chiếc Air Force One đảm bảo thông suốt hệ thống liên lạc, kết nối internet, máy fax, 19 bộ tivi...
Hệ thống điện thoại an toàn tuyệt đối giúp tổng thống và đội ngũ nhân viên có thể bốc máy gọi tới mọi ngóc ngách trên thế giới từ dộ cao hơn 13,7 km. Dĩ nhiên, không thể thiếu đường điện thoại nối trực tiếp tới phó tổng thống và Nhà Trắng. Tổng cộng, chiều dài dây điện phục vụ cho các máy móc trên máy bay vào khoảng... 380 km.
Máy bay chia làm 3 khoang: trước, giữa và sau. Thông tin tổng thống ngồi khoang nào chỉ có đội ngũ tiếp viên biết, ngay cả phòng điều khiển của máy bay có khi cũng không rõ. Tổng thống Obama luôn ra khỏi máy bay từ khoang giữa. Trên máy bay có một phòng làm việc cấp cao, một phòng hội nghị, phòng ngủ cho tổng thống và 2 nhà bếp (với thực phẩm trữ trong tủ đông) phục vụ được 100 phần ăn mỗi lần.
Các nhà báo có khu vực riêng trên Air Force One, trông không khác gì khoang hạng nhất của các máy bay thương mai. Họ thường lên máy bay bằng cửa phía sau trước khi được đưa đến khoang giữa. Ngoài khu báo chí, máy bay còn có một khu vực dành cho nhân viên, khu ăn uống...
4. Không ngán tên lửa, bom hạt nhân
Được điều khiển bởi không quân Mỹ, Air Force One có hệ thống vũ khí tinh vi dù thông tin này chưa bao giờ được xác nhận chính thức.
Theo các nguồn tin, Air Force One được trang bị hệ thống làm chệch hướng tên lửa tiên tiến bên cạnh khả năng làm nhiễu radar của đối phương. Nhờ có xung điện từ mà Air Force One có thể thoát được bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào. Nó có thể nhận tiếp liệu từ máy bay ném bom B-2 hoặc các chiến đấu cơ khác từ giữa trời.
Air Force One còn có hệ thống xử lý hành lý riêng, không cần nhờ tới phương tiện của các sân bay.
5. Từng đến cứu tổng thống vào ngày 11-9-2001
Ngày 11-9-2001, nhiều địa điểm quan trọng của Mỹ bị tấn công. Lo ngại mặt đất không còn an toàn, Cơ quan Mật vụ Mỹ quyết định đưa Tổng thống George W. Bush lên Air Force One. Họ bay trong nhiều giờ cho đến khi tình hình dưới mặt đất được kiểm soát. Nhờ hệ thống hiện đại trên máy bay, tổng thống vẫn có thể điều khiển các chiến dịch cứu nạn bên dưới.
6. Chi phí dễ sợ
Chi phí hoạt động của Air Force One được tính theo giờ, bao gồm nhiên liệu tiêu thụ, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay và động cơ. Tổ chức giám sát chính phủ Judicial Watch ước tính một giờ vận hành Air Force One trong năm 2013 là 228.000 USD nhưng qua năm 2015 còn hơn 206.000 USD, có thể là do giá nhiên liệu giảm.
Tháng 8-2015, chỉ riêng chi phí bay từ căn cứ không quân Andrews (Mỹ) tới Nairobi – Kenya, sau đó tới Addis Ababa – Ethiopia và quay trở về Washington D.C. đã lên tới 5,893 triệu USD cho 29 giờ bay. Đây là ước tính của Quỹ Công đoàn người đóng thuế quốc gia Mỹ (NTUF).
Tháng 3-2015, Nhà Trắng chi ít nhất 1 triệu USD để đưa ông chủ Nhà Trắng vá đệ nhất phu nhân tới TP Los Angeles, bang California trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Dù 2 sự kiện này được ghi hình cách nhau không xa song họ vẫn di chuyển bằng 2 máy bay riêng biệt.
Vào tháng 12-2015, giám đốc Judicial Watch – ông Tom Fitton – chỉ trích Tổng thống Obama xem Air Force One như... taxi Uber. Nguyên do là vì nhà Obama đi lại rất nhiều bằng chiếc chuyên cơ này, kể cả khi gia đình đi nghỉ.
Theo Judicial Watch, tính tới tháng 12-2015, chi phí đi nghỉ dưỡng của gia đình ông Obama gần chạm mốc 71 triệu USD, tức trung bình 10,1 triệu USD/năm. Lấy ví dụ, tháng 3-2015, cả nhà ông chủ Nhà Trắng đi Hawaii nghỉ mát và riêng 18 giờ bay trên Air Force One đã ngốn ít nhất 3,7 triệu USD.
“Quái thú” trên bộ
1. “Xác” limo, “hồn” xe tải
Cadillac One (biệt danh “The Beast”, tạm dịch: Quái thú) là chiếc xe hơi tổng thống Mỹ sử dụng trong mọi chuyến công du. Nhìn bên ngoài, nó hoàn toàn là một chiếc Cadillac CTS, chỉ trừ việc nó chạy bằng động cơ xe tải (loại Chevrolet Kodiac).
2. Cửa xe “Quái thú” nặng bằng cửa máy bay Boeing 757
Cửa xe Cadillac One chiếm đáng kể trong tổng trọng lượng 8 tấn của nó. Có thể lý giải độ nặng nề này nếu bạn biết phần thân xe dày 10 cm, còn kính cửa sổ dày gần 13 cm. Bản lề xe cũng thuộc loại đặc biệt.
3. Chống được tên lửa
“Quái thú” có thể sống sót trước hầu hết các cuộc tấn công, kể cả bằng tên lửa. Bồn nhiện liệu của nó sở hữu một loại bọt đặc biệt giúp nhiên liệu không bốc cháy ngay cả khi bị tấn công trực tiếp.
Lốp xe thuộc loại đặc biệt của hãng Goodyear, được gia cố bằng sợi tổng hợp Kavlar giúp “Quái thú” tiếp tục bon bon dù có bị xì hết hơi.
Trong xe có tích trữ đủ khí oxy cần thiết dành cho các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là khi bị tấn công hóa học. Trên xe còn trang bị súng ngắn và các vũ khí phòng thủ khác.
4. Quay ngoắt 180 độ
Mật vụ lái “Quái thú” được huấn luyện cho nhiều trường hợp đặc biệt, bao gồm màn quay xe 180 độ để tránh một cuộc tấn công.
Với chiều dài khoảng 5,5 m, “Quái thú” chở được 7 người ngồi thoải mái. Xe có camera nhìn ban đêm, có đường điện thoại nối trực tiếp với phó tổng thống và Lầu Năm Góc. Khi cần, tổng thống Mỹ có thể phát động một cuộc tấn công hạt nhân từ trong xe.
Chuyến đi Ai Cập năm 2009 của ông Obama được bảo vệ kỹ càng. Ảnh: youthconnect.in
Bình luận (0)