Trong lúc đội tàu sân bay của Mỹ tích cực cứu trợ ở Philippines thì Peace Ark, một trong những tàu bệnh viện hiện đại và lớn nhất thế giới, vẫn nằm cảng ở Trung Quốc.
Nỗ lực viện trợ nhanh chóng và hào phóng đang giúp Washington bù đắp tổn thất uy tín từ việc Tổng thống Barack Obama hủy chuyến công du đến Đông Nam Á vào tháng rồi. Ngược lại, Bắc Kinh đã để lỡ cơ hội lấy lại lòng tin và gia tăng ảnh hưởng khi hờ hững trước cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng đang tranh chấp lãnh thổ với mình.
Theo ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy (Úc), ngay cả khi Bắc Kinh tăng tiền cứu trợ thì ấn tượng ban đầu không dễ phai mờ. “Ngoại giao thảm họa phát đi tín hiệu mạnh mẽ về ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực cũng như mức độ hợp tác và lòng trung thành giữa các nước” - ông Medcalf cho biết thêm.
Những gì Mỹ đang làm ở Philippines là sự tiếp nối cho hàng thập kỷ giúp đỡ đồng minh và các nước tại khu vực Thái Bình Dương ứng phó thiên tai, trong đó ấn tượng nhất là cứu trợ sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 và thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật Bản năm 2011. Ông Jonah Blank, nhà khoa học chính trị tại Tổ chức RAND Corporation (Mỹ), cho rằng triển khai nguồn lực quân sự cho hoạt động cứu trợ là “khoản đầu tư hiệu quả và ít tốn kém cho tương lai”. Theo ông, chính chiến dịch cứu trợ khổng lồ năm 2004 khiến hầu hết các nước Đông Nam Á tin tưởng vào chiến lược “xoay trục” mà Washington đang theo đuổi.
Giờ đây, cứu trợ nhiều khả năng sẽ thúc đẩy thỏa thuận tăng cường quân Mỹ đồn trú tại Philippines. Những phản đối trước đây chắc chắn sẽ nhường chỗ cho ủng hộ vì theo TS Michael Buehler, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Bắc Illinois (Mỹ), “người dân Philippines đang nhìn quân đội Mỹ với ánh mắt thiện cảm hơn”.
Cách tiếp cận thảm họa Haiyan một lần nữa cho thấy Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ trong việc sử dụng “quyền lực mềm” mà cứu trợ khẩn cấp là thành phần quan trọng. Theo ông Zheng Yongnian, nhà phân tích chính trị tại ĐH Quốc gia Singapore, lý do là Trung Quốc còn thiếu một tư duy chiến lược. Thậm chí học giả này nhận định Bắc Kinh chưa thực sự có được quyền lực mềm mà vẫn dựa vào các đòn bẩy ngoại giao xưa cũ theo đà sức mạnh kinh tế và quân sự. “Họ vẫn nghĩ rằng có thể nhận được điều mình mong muốn thông qua ép buộc” - ông Zheng cho biết.
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát khác thì dù muốn, Trung Quốc vẫn chưa đủ sức thực hiện cứu trợ quy mô tại nước ngoài. “Họ không có cơ sở vật chất, thiết bị và kỹ năng như quân đội Mỹ, Úc hay Nhật” - nguyên tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ Timothy Keating nói.
Bình luận (0)