Người già ở Đức được di cư nhiều nhất tới các nước Đông Âu và châu Á. Các nhà điều tra ở Berlin ước tính năm 2011 có 7.146 người về hưu được gửi sang các trại dưỡng lão ở Hungary, hơn 3.000 người sang Cộng hòa Czech, hơn 600 người sang Slovakia. Số người sang Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ukraine, Thái Lan và Philippines cũng rất đông.
Theo điều tra của Cục Thống kê Đức, do thiếu kinh phí, có hơn 400.000 cụ già không được nuôi dưỡng tại các trại hưu trí trong nước, với tỉ lệ tăng khoảng 5% mỗi năm. Chi phí chăm sóc mỗi người bình quân 2.900 - 3.400 euro/tháng (77,14 - 90,44 triệu đồng). Chi phí tương tự ở Hungary, Thái Lan và Hy Lạp chỉ bằng 1/3 - 2/3 ở Đức.
Nhiều chuyên gia xã hội học Đức nói rằng ngày càng có nhiều người già di cư ra nước ngoài trong tình trạng lão hóa dân số tăng lên là “trái bom nổ chậm” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu chính phủ của bà Angela Merkel “không sớm tháo ngòi nổ”. Một số tổ chức xã hội lên án việc di cư người già ra nước ngoài là “biện pháp trục xuất vô nhân đạo”. Tổ chức tư vấn chính trị VDK ở Berlin kêu gọi chính phủ phải có sự can thiệp chính trị để chấm dứt tình trạng này.
Học giả Ulrike Mascher, Chủ tịch Tổ chức VDK, nói: “Chúng ta không thể để cho những con người suốt cả đời bỏ công sức xây dựng nước Đức được như hôm nay lại bị trục xuất ra nước ngoài. Ước tính dân số Đức từ 82 triệu người hiện nay sẽ giảm còn 69 triệu người vào năm 2050, với khoảng 4,7 triệu người già cần được chăm sóc nuôi dưỡng. Tình hình sẽ chỉ càng tồi tệ nếu chính sách di cư không chấm dứt”.
Bình luận (0)