Một bà cụ Hàn Quốc bỏ phiếu bầu tổng thống ở Nonsan, phía nam Seoul ngày 19-12-2012. Ảnh: Reuters
Giáo sư Park Ji Young, chuyên gia phúc lợi xã hội Trường Đại học Sangji, phân tích: “Từ bao đời nay, gia đình luôn là tổ ấm của người già. Con cháu là của quý của các cụ trong tương lai, thể hiện qua việc chăm sóc sức khỏe, trợ giúp tài chính cho ông bà. Con cháu thành đạt là các cụ yên lòng. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi. Giới trẻ giờ đây đua nhau bỏ nông thôn ra thành thị làm ăn, bỏ cha mẹ già ở lại quê sống đơn độc. Trong khi đó, quỹ bảo hiểm hỗ trợ người già chưa phát huy tác dụng tích cực. Nhà dưỡng lão cũng rất thiếu”.
Hồi tháng 8-2012, vụ tự tử của một cụ bà 78 tuổi góa chồng gây bàng hoàng dư luận cả nước. Cụ uống thuốc trừ sâu tự tử trước trụ sở hội đồng thành phố, trong túi áo để lại bức thư tuyệt mệnh viết: “Tại sao nhà nước cắt bỏ trợ cấp xã hội của tôi với lý do con rể tôi mới tìm được việc làm? Luật pháp phải bảo vệ dân, vậy mà không bảo vệ tôi. Thật đau buồn!”.
Trường hợp của cụ Kim Man-jom, 73 tuổi, cũng gây bức xúc dư luận. Năm 2011, sau khi chồng chết, cụ không được các con trai chung sức chăm sóc, cho ở cùng các cháu nên tuyệt vọng muốn tự tử. Cụ trả lời một nhà báo Hàn Quốc: “Tôi treo cổ định tự tử nhưng được người hàng xóm cứu sống”.
Theo giới báo chí Hàn Quốc, chính phủ nước này có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu để người cao tuổi có thể tăng quỹ tiết kiệm sống tuổi già và yêu cầu các địa phương xây dựng nhiều nhà dưỡng lão chăm sóc người già không nơi nương tựa. Các thành phố lớn cũng được yêu cầu thành lập những trung tâm xã hội ngăn chặn nạn tự tử.
Bình luận (0)