Vào tuần rồi, Nga và Ả Rập Saudi cho biết đang bàn chuyện tăng sản lượng dầu của các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC lên thêm 1 triệu thùng/ngày.
"Giới đầu tư bắt đầu hướng đến kịch bản Ả Rập Saudi và Nga tăng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn sự nghi ngại rằng liệu có thỏa thuận nào hoàn tất tại hội nghị OPEC diễn ra trong tháng 6 hay không" - hãng tin Reuters trích dẫn nhận định của ngân hàng ANZ cho biết.
Giá dầu thô đang giảm nhưng xu thế này có nguy cơ đảo ngược nếu Trung Đông thêm căng thẳng. Ảnh: OIL PRICE
Một số nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran giúp Ả Rập Saudi có lợi thế trong thị trường dầu.
Trước đó, những biến động nói trên đẩy giá dầu Brent hôm 17-5 lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua trước khi sụt giảm do ý định của bộ đôi Nga, Ả Rập Saudi và sản lượng dầu gia tăng tại Mỹ.
Dù vậy, theo kênh CNBC, nỗi lo sợ về tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông có thể nhanh chóng đảo ngược xu thế sụt giảm nói trên. "Tôi cho rằng sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ khí ở Trung Đông" - bà Helima Croft, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada), dự báo.
Một quan chức Iran hồi tuần trước đã dọa Tehran sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc. Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman khẳng định quốc gia của ông sẽ có vũ khí hạt nhân "càng sớm càng tốt" nếu Iran phát triển loại vũ khí này. Trong khi đó, Israel - quốc gia công khai xung đột với Iran gần đây - được cho là đã sở hữu vũ khí hạt nhân.
Bình luận (0)