Một loạt biện pháp trừng phạt mới đã được phương Tây công bố hôm 23-2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh triển khai quân đến 2 vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine trong vai trò gìn giữ hòa bình.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đánh giá chúng vẫn còn nhẹ và không có tác động đáng kể đối với Nga. Đến khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, Đông Ukraine hôm 24-2, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục ra đòn với các biện pháp trừng phạt được mô tả là khắc nghiệt và có sức tàn phá lớn.
Đại gia ngân hàng vào tầm ngắm
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 25-2 công bố một loạt biện pháp trừng phạt mà ông tin là sẽ gây tổn thất nặng nề đối với nền kinh tế Nga cả trước mắt lẫn lâu dài.
Trong lúc làn sóng trừng phạt đầu tiên nhằm vào các ngân hàng nhỏ, mục tiêu mới nhất là 2 ngân hàng lớn nhất và đều thuộc sở hữu nhà nước là Sberbank và VTB cùng với 3 tổ chức tài chính lớn Otkritie, Novikom, Sovcom. Ngoài ra, gần 90 chi nhánh khắp thế giới của các ngân hàng bị trừng phạt cũng lọt vào danh sách "đen".
Theo Reuters, Washington còn sử dụng công cụ trừng phạt mạnh mẽ nhất khi đưa VTB, Otkritie, Novikom và Sovcom vào cái gọi là danh sách Công dân bị chỉ định đặc biệt (SDN), qua đó loại bỏ các ngân hàng này khỏi hệ thống tài chính Mỹ, cấm họ giao dịch với người Mỹ và phong tỏa tài sản của họ tại Mỹ.
Sberbank là một trong những ngân hàng Nga có tên trong danh sách bị Mỹ trừng phạt. Ảnh: THE MOSCOW TIMES
Đợt trừng phạt này nhằm hạn chế khả năng của Nga trong việc giao thương bằng USD, euro, bảng Anh và đồng yen của Nhật Bản. Dù vậy, Tổng thống Biden không áp lệnh trừng phạt nhằm vào Tổng thống Putin hay loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT, ngay cả khi phe Cộng hòa chỉ trích ông chủ Nhà Trắng cần mạnh tay hơn nữa.
Theo báo The New York Times, Mỹ hiện chưa có kế hoạch làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu năng lượng, hiện là trụ cột của nền kinh tế Nga. Nỗi lo lúc này là tình trạng tăng giá dầu trên thế giới có thể khiến lạm phát leo thang, từ đó gây thêm rắc rối cho các chính trị gia.
Các nhà lãnh đạo EU cũng ủng hộ một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào nhiều mục tiêu và lĩnh vực liên quan đến Nga, như ngân hàng, giới tinh hoa, nhà ngoại giao… Theo trang Bloomberg, đáng chú ý là EU đã thảo luận với Mỹ về việc đưa ra biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào thiết bị công nghệ cao, phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự.
Đề xuất còn có cả lệnh cấm xuất khẩu đối với máy bay, linh kiện máy bay và thiết bị liên quan, cũng như lệnh cấm bán thiết bị, công nghệ cần để nâng cấp nhà máy lọc dầu Nga. Làn sóng trừng phạt mới của Mỹ và EU cũng nhằm vào giới tinh hoa Nga và một số mục tiêu ở Belarus.
Tác dụng của trừng phạt
Câu hỏi đặt ra là liệu bước đi trừng phạt mới của phương Tây có sức nặng đến đâu, nhất là khi đây không phải là lần đầu Nga bị đưa vào tầm ngắm. Moscow cho đến giờ vẫn khẳng định các biện pháp trừng phạt đi ngược lại lợi ích của quốc gia áp đặt chúng.
Trước mắt, theo Reuters, chúng có thể không ảnh hưởng đáng kể đến một nền kinh tế đang có dự trữ vàng và ngoại hối đến 643 tỉ USD và nguồn thu gia tăng từ dầu khí. Ông Christopher Granville, chuyên gia tại Công ty Tư vấn TS Lombard (Anh), chỉ ra rằng việc giá dầu tăng sẽ mang lại cho Nga thêm 17,2 tỉ USD trong năm nay từ thuế đánh vào lợi nhuận của các công ty năng lượng.
Những túi bánh mì miễn phí được đặt tại cửa khẩu Siret ở Suceava - Romania ngày 25-2 dành cho người tị nạn Ukraine. Ảnh: REUTERS
Một số nhà phân tích khác cho rằng nhiều ngân hàng tại Nga hiện có thể đối phó với lệnh trừng phạt tốt hơn so với năm 2014, tức thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Bên cạnh đó, theo Reuters, các ngân hàng nhà nước của Nga đã giảm bớt tiếp xúc với các thị trường phương Tây. Kể từ năm 2014, Moscow không còn tập trung dự trữ đồng USD.
Theo báo cáo mới đây của Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ), euro và vàng hiện chiếm tỉ trọng lớn hơn USD trong dự trữ của Nga. Chưa hết, các biện pháp trừng phạt mới có thể thúc đẩy Nga tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại với Trung Quốc. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Nga kể từ sau năm 2014.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng ngay cả khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể không tác động tức thì lên Moscow nhưng về lâu dài, tiềm năng kinh tế của Nga sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Chuyên gia Granville chỉ ra viễn cảnh Moscow ngày càng bị cô lập khỏi nền kinh tế thế giới, các thị trường và hoạt động đầu tư.
Trong khi đó, bà Elina Ribakova, chuyên gia tại Viện Tài chính quốc tế (Mỹ), nhận định với tờ Financial Times rằng sự kiện các ngân hàng lớn nhất bị trừng phạt có thể gây ra "những tác động quan trọng và mang tính hệ thống" lên Nga.
Bình luận (0)