Theo hãng tin Bloomberg, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tổng xuất khẩu dầu và khí đốt của nước này đạt tới 160 tỉ USD/năm. Và giới chuyên gia kinh tế thế giới nhận định đây chính là vũ khí lợi hại nhất mà Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng để chống lại các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Số liệu của các ngân hàng Goldman Sachs, Bank of America và Morgan Stanley cho thấy châu Âu nhập 32% nhu cầu dầu và 30% nhu cầu khí đốt từ Nga. Trong năm 2012, Liên minh châu Âu (EU) đã mua 156,5 tỉ USD dầu và khí đốt từ Nga, cao gấp 38 lần chi phí Mỹ bỏ ra để mua năng lượng Nga. Đó là lý do khiến EU trù trừ ở ngưỡng cửa trừng phạt kinh tế.
Gazprom xuất khẩu khí đốt cho Đức tăng 21%, cho Ý tăng 68% và cho Anh tăng 54% trong năm 2013.
Ảnh: Reuters
Nhưng Nga cũng có thể bị thương bởi thứ vũ khí lợi hại nhất này của mình bởi kinh tế nước này phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu và khí đốt, chiếm đến 2/3 khối lượng hàng xuất khẩu. Nếu EU quyết cấm vận năng lượng, Moscow sẽ mất 100 tỉ USD – tức 1/5 doanh thu xuất khẩu – và kinh tế Nga sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhìn rộng ra, khoảng phân nửa khối lượng xuất khẩu của Nga - chủ yếu là khí đốt, dầu và nguyên liệu thô - chảy qua EU.
Hơn nữa, theo The New York Times, Nga dễ bị tổn thương bởi các biến động thị trường hơn nhiều nước khác do nhà nước nắm giữ cổ phần lớn ở nhiều công ty lớn nhất nước, điển hình là tập đoàn năng lượng Gazprom. Nhiều công ty và ngân hàng Nga gắn kết hoàn toàn với hệ thống tài chính toàn cầu nên mức độ thiệt hại sẽ không hề thấp.
Giáo sư Seva Gunitsky của Trường ĐH Toronto (Canada) nói với Bloomberg rằng biện pháp trừng phạt thông minh mà phương Tây có thể nhằm vào Nga là đóng băng tài sản và cấm thị thực các tỉ phú có quan hệ thân cận với ông Putin. Điều đó sẽ gây sức ép lên tổng thống Nga nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến phương Tây.
Suốt thời chiến tranh lạnh, Nga hầu như không có tỉ phú. Con số này hiện nay là 111, theo xếp hạng của tạp chí Forbes (Mỹ). Nga xếp thứ ba về số tỉ phú trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Tài phiệt Dmitry Rybolovlev (ảnh nhỏ) mua căn hộ penthouse có 10 phòng ngủ, rộng hơn 600 m2
với tầm nhìn mở rộng ra công viên trung tâm của New York. Ảnh: tmnsky.com
Những tài phiệt siêu giàu này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh cấm nhập cảnh mà Mỹ và phương Tây mới ban hành. Phong tỏa tài sản cũng có tác dụng không nhỏ bởi giới siêu giàu Nga thường có bất động sản và các tài sản khác rải khắp châu Âu cũng như Mỹ, như tài phiệt Dmitry Rybolovlev vừa mua căn nhà penthouse ở Central Park West, New York – Mỹ với giá 88 triệu USD.
Đặc biệt, nhà giàu Nga rất mê thủ đô London của Anh. Họ xem đây là nơi cất tiền bằng cách mua nhà cửa, lập doanh nghiệp hay gửi vào các ngân hàng uy tín và kín đáo. Nhiều người Anh thậm chí còn gọi London là Londongrad là vậy.
Ở chiều ngược lại, bà Yolande Barnes - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của công ty địa ốc Savills - cho hay người Nga mua khoảng 2,5% đất đai, nhà cửa hạng sang ở London. “Nếu người Nga biến mất, tôi nghĩ London cũng ngắc ngoải” – bà Barnes nói.
Bình luận (0)