Mỹ và EU lần lượt công bố lệnh cấm vận với một loạt quan chức Nga và Crimea, trong đó có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin. Tổng thống Putin không nằm trong danh sách bởi "áp lệnh trừng phạt lên nguyên thủ quốc gia là cực kì bất thường", theo lời một quan chức Nhà Trắng cấp cao nói với Reuters.
Tuy nhiên, khi được hỏi tổng thống Nga có trở thành mục tiêu bị trừng phạt, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết các biện pháp cấm vận của Mỹ không loại trừ bất kỳ cá nhân nào. Nhưng ông Carney nhấn mạnh trọng tâm lúc này vẫn là các giải pháp ngoại giao để xuống thang căng thẳng tại Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trao đổi với phóng viên về tình hình Ukraine tại Nhà Trắng ngày 17-3.
Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố: “Nếu Nga tiếp tục can thiệp vào Ukraine, chúng tôi sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới”. Ông Obama nhấn mạnh vẫn còn cơ hội giải quyết khủng hoảng nếu Nga rút quân khỏi Crimea và đồng ý đàm phán với Ukraine. “Những hành vi khiêu khích mới sẽ càng khiến Nga bị cô lập trên trường quốc tế” - tổng thống Mỹ cảnh báo.
Một quan chức Mỹ mô tả đây là các biện pháp cấm vận toàn diện nhất chống lại Nga kể từ thời chiến tranh lạnh. Sau Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản ngày 18-3 cũng tuyên bố sẽ bàn hành các biện pháp trừng phạt Nga.
Tokyo cho hay sẽ "đình chỉ đàm phán về việc nới lỏng yêu cầu thị thực và cũng không khởi động các vòng đàm phán về một thỏa thuận đầu tư mới, một thỏa thuận vũ trụ và một thỏa thuận về việc ngăn chặn các hành động quân sự nguy hiểm".
Dù vậy, một số nhà phân tích phương Tây nhận định các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU sẽ không khiến ông Putin lùi bước, nhất là khi EU e dè thực hiện trừng phạt kinh tế do quá dựa dẫm vào khí đốt Nga.
Bình luận (0)