Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật trừng phạt Nga, được ông mô tả là "có thiếu sót".
Trong lúc nhà lãnh đạo Mỹ có lý do riêng để quan tâm đến những mối liên hệ có thể có với Moscow, dự luật trừng phạt này đủ sức gây thiệt hại hàng tỉ USD cho các dự án dầu khí ở Nga. Dự luật cũng là một lời nhắc nhở rằng các hình thức trừng phạt là trọng tâm của những trò chơi quyền lực đang diễn ra.
Toàn cầu hóa đã thúc đẩy việc sử dụng trừng phạt như một công cụ ngoại giao. Trước năm 1990, Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nam Rhodesia (hiện là Zimbabwe) và Nam Phi. Kể từ mốc thời gian đó, LHQ ban hành thêm hơn 12 biện pháp trừng phạt.
Các phương pháp trừng phạt kinh tế ngày càng trở nên quan trọng do cách thức vận hành của thương mại và tài chính quốc tế.
Vì vậy, nhiều đòn bẩy được trao cho các cường quốc phương Tây hơn là những nước mới nổi. Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác - chỉ riêng Bộ Tài chính Mỹ đã công bố 26 biện pháp trừng phạt.
Sự mất cân bằng này sẽ được giải quyết tốt nhất bằng cách hành động trong khuôn khổ đa phương với quy mô lớn nhất có thể.
Lịch sử cho thấy các biện pháp trừng phạt là một công cụ cùn nếu được sử dụng để thay đổi hành vi. Các biện pháp cấm vận Cuba được Mỹ áp đặt từ năm 1960 không thay đổi được chế độ này.
Thế nhưng, một số lệnh trừng phạt khác đã mang lại kết quả. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi bị khai tử trong bối cảnh nước này chịu các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, lệnh trừng phạt đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Liberia góp phần dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Tổng thống Charles Taylor, người sau đó ra tòa với cáo buộc phạm tội ác chống lại nhân loại trong thời gian ông ta làm lãnh chúa.
Khung cảnh cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an LHQ về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên hôm 5-8.Ảnh: AP
Lệnh trừng phạt cũng là một lựa chọn tốt hơn nhiều so với hành động quân sự. Nó có thể phát huy hiệu quả khi đối phó những quốc gia chứa chấp khủng bố và cá nhân tài trợ cho khủng bố. Tuy nhiên, sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng chỉ cần trừng phạt là đủ chống lại một nhóm như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Kể từ sự kiện khủng bố 11-9-2001, đã diễn ra sự chuyển hướng sang biện pháp trừng phạt "thông minh" hoặc nhằm vào mục tiêu cụ thể, kết hợp lệnh cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản, cấm vận vũ khí, thậm chí cắt giảm viện trợ.
Hướng đi này hiệu quả hơn so với lệnh trừng phạt bị xem là quá chung chung hoặc có thể bị những kẻ chuyên quyền lợi dụng để dung dưỡng chủ nghĩa thân hữu và nạn tham nhũng ở quốc gia họ.
Chương trình "đổi thực phẩm lấy dầu" được LHQ thông qua những năm 1990 nhằm chống lại Tổng thống Iraq Saddam Hussein là một ví dụ sinh động cho thấy những biện pháp trừng phạt như thế có thể thất bại ra sao.
Trừng phạt được duy trì quá lâu cũng có thể trở thành trở ngại, nếu không nói là gây bối rối. Với việc Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt vào năm 2012, sự linh hoạt là yếu tố then chốt để bảo đảm Myanmar theo đuổi cải cách chính trị.
Tổng thống Donald Trump đã khiến việc sử dụng biện pháp trừng phạt trở nên khó khăn hơn, chứ không phải dễ dàng hơn. Ông chê bai chủ nghĩa đa phương và ít quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Ông coi nhẹ thứ quyền lực mềm giúp tạo ra sự đồng thuận.
Những thông điệp tức giận, thất thường của ông trên mạng xã hội Twitter là hành động công kích vô cớ, không phải chính sách. Việc Hội đồng Bảo an LHQ gần đây nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên là một chiến thắng hiếm hoi về ngoại giao thông qua Twitter.
Các biện pháp trừng phạt cần một hướng tiếp cận đáng tin cậy với những mục tiêu có thể đạt được. Với vai trò ngày càng tăng trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế, trừng phạt có thể phát huy tác dụng.
Thế nhưng, nó sẽ không hiệu quả nếu Nhà Trắng bị tê liệt bởi sự do dự hoặc khi phải đối mặt những lựa chọn phức tạp, đơn phương áp đặt mà không bận tâm đến việc tham vấn với nước khác.
(*) Tít do tòa soạn đặt
Bình luận (0)