Báo cáo mới công bố hôm 15-4 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trụ sở ở Thụy Điển, cho thấy chi tiêu quân sự trên thế giới đã giảm 0,5% xuống còn 1.750 tỉ USD trong năm 2012. Đây là lần sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1998.
Theo SIPRI, nguyên nhân sụt giảm là do Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Đồng thời, các nước này đã giảm bớt tham chiến ở Afghanistan và Iraq.
Riêng ở Mỹ, nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, chi tiêu quân sự đã giảm 6% trong năm 2012. Trong tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã cảnh báo về một đợt thắt lưng buộc bụng mới. Tại châu Âu, các biện pháp khắc khổ đã buộc các thành viên NATO giảm 10% chi tiêu quân sự.
Một tàu chiến của Nga, nước có chi tiêu quân sự tăng 16% trong năm 2012
Ảnh: Newscom
Ngược lại, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã tăng 7,8% so với năm 2011 và 175% so với năm 2003. Sự gia tăng này chắc chắn sẽ khiến thế giới không khỏi lo ngại khi mà Bắc Kinh ngày càng lấn tới trên biển.
Theo SIPRI, chi tiêu quân sự ở Trung Đông và Bắc Phi tăng khoảng 8%. Chi tiêu quân sự của Nga cũng tăng 16%, mức tăng mà theo các nhà phân tích đã phản ánh nỗ lực tăng cường lực lượng vũ trang và nâng cấp vũ khí của Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi ông quay trở lại nắm quyền hồi tháng 5-2012.
Ông Sam Perlo-Freeman, giám đốc Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, nhận định: “Chúng ta có thể đang chứng kiến khởi đầu của một sự dịch chuyển cán cân chi tiêu quân sự từ các nước phương Tây giàu có sang các khu vực đang nổi”.
Ông Perlo-Freeman nói thêm rằng tất cả các dấu hiệu đều cho thấy chi tiêu quân sự trên thế giới có thể tiếp tục giảm trong 2-3 năm tới, ít nhất cho đến khi NATO hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014.
Bình luận (0)