Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin sự việc xảy ra vào sáng 5-10. Sáng đó, cả gia đình có tổng cộng 12 thành viên cùng nhau ăn sáng bằng mì bắp tại nhà ở TP Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang, trong đó 9 người lớn tuổi đều ăn mì, còn 3 trẻ nhỏ không ăn vì không thích mùi vị.
Món mì bắp nêu trên là món ăn địa phương, gọi là Suantangzi, món mì sợi to được làm từ bột bắp lên men nên có vị chua.
9 người ăn món mì bắp đổ bệnh vài giờ sau đó. Đến tầm 10 giờ cùng ngày, 9 người bắt đầu đau bụng và có các triệu chứng khó chịu khác, phải đưa đi cấp cứu.
7 người được xác nhận đã tử vong hôm 10-10, một người qua đời vào ngày 12-10.
Người thứ 9 tử vong là một phụ nữ họ Lý 47 tuổi. Sau 2 tuần chống chọi, người này không qua khỏi, tử vong vào trưa 19-10 ở bệnh viện.
9 người ăn món mì bắp từ nguyên liệu được trữ đông gần 1 năm bị ngộ độc và tử vong. Ảnh: ET Today
Trong một cuộc phỏng vấn, Trương Nam - người con trai 25 tuổi của người phụ nữ họ Lý – nói rằng món mì là do mẹ anh nấu, vì tủ lạnh không thể chứa đủ nên món mì được lấy ra khỏi tủ lạnh và đặt ở ngoài trong vài ngày trước khi xảy ra vụ ngộ độc.
Quá trình điều tra cho thấy nguyên liệu nấu món ăn này đã để đông lạnh trong tủ lạnh một năm, người ta nghi ngờ chính nguyên liệu đó đã gây ngộ độc thực phẩm cho cả gia đình.
Sau khi bộ phận công nghệ hình sự thuộc cơ quan công an địa phương kiểm tra chiết xuất tại chỗ, không phát hiện có xyanua, organophosphorus (thuốc trừ sâu), carbofuran (thuốc trừ sâu).
Tại phòng thí nghiệm, chất aflatoxin phát hiện trong món suantangzi vượt ngưỡng nghiêm trọng.
Món Suantangzi - món mì được làm từ bột bắp lên men. Ảnh: setn.com
Ngày 12-10, chính quyền địa phương xác nhận nguyên nhân tử vong là do độc tố axit bongkrekic có trong mì và loại trừ nguyên nhân bị đầu độc.
Nồng độ cao của độc tố axit bongkrekic được sản sinh bởi vi khuẩn Pseudomonas cocovenenans, phát hiện trong mì bắp và cả trong dịch dạ dày của các nạn nhân. Mì bắp đã được trữ đông trong tủ lạnh của gia đình gần 1 năm.
Phó giáo sư Phạm Chí Hoành của Trường ĐH Nông nghiệp Trung Quốc cho biết axit bongkrekic cực kỳ độc và không thể loại bỏ được ngay cả khi đã nấu chín kỹ.
Các chuyên gia cho biết axit bongkrekic là nguyên nhân chính gây ngộ độc từ các sản phẩm bột lên men, nấm trắng tươi hư hỏng cũng như các sản phẩm tinh bột hư hỏng khác. Để tránh ngộ độc, các chuyên gia khuyến cáo người dân tránh sử dụng bắp bị ẩm mốc để làm thực phẩm và không chế biến hoặc ăn bất kỳ thực phẩm nào làm từ ngũ cốc lên men.
Bình luận (0)