Tờ Global Times trích dẫn tuyên bố của Công ty sản xuất máy bay Zhuhai Ziyan (có trụ sở tại Quảng Đông), đơn vị phát triển công nghệ máy bay không người lái thông minh mới, cho biết: "Các loại máy bay trực thăng không người lái có thể được trang bị đạn nổ, súng phóng lựu và súng máy do Trung Quốc sản xuất trong nước giờ đây được trang bị công nghệ mới cho phép hợp thành "đàn" và tự động tấn công đối phương".
Cũng theo Global Times, ít nhất 10 máy bay trực thăng không người lái có thể tự động hợp thành một phi đội. Chỉ cần bấm nút, các máy bay sẽ cất cánh, tránh va chạm vào nhau và tự tìm đường đến mục tiêu. Một khi nhận lệnh tấn công, chúng sẽ phối hợp với nhau để tập kích mục tiêu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, công nghệ này sẽ đưa các máy bay trở về căn cứ và tự động hạ cánh.
Người điều khiển máy bay sẽ không phải làm việc trong vùng chiến nguy hiểm bởi các máy bay này có thể được điều khiển từ xa dễ dàng. 10 máy bay hoạt động trong một nhóm có thể là những loại máy bay khác nhau, bao gồm loại có thể thả đạn nổ, loại có thể dùng súng phóng lựu hoặc thậm chí có thể tấn công cảm tử.
Mẫu máy bay Blowfish A2 tại một cuộc triển lãm quốc phòng trong năm 2018. Ảnh: KKNEWS
Ngoài ra, công ty Zhuhai Ziyan cũng đang phát triển một loại máy bay trực thăng không người lái mới mang tên Blowfish A3, có chiều dài 2 m và rộng 0,5 m. Nó có thể mang theo nhiều loại súng máy khác nhau và được thiết kế để các khẩu súng này có thể khai hỏa từ nhiều góc độ khác nhau khi bay.
Trước đó, công ty này trình làng mẫu máy bay Blowfish A2 tại nhiều cuộc triển lãm quốc phòng trong năm 2018. Máy bay có thể mang theo các đạn nổ 60 mm hoặc một khẩu súng phóng lựu cỡ nòng 40 mm. Các loại trực thăng khác mà Zhuhai Ziyan đang phát triển gồm có Infiltrator, có thể phóng rocket hoặc tên lửa các loại, và Parus S1 có khả năng đánh bom tự sát.
Công nghệ hoạt động theo đàn của máy bay không người lái đã được Công ty Zhuhai Ziyan công bố lần đầu tại triển lãm quốc phòng IDEF'19 được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 4. Công ty đã nhận được nhiều đề nghị hỏi mua từ các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, trang The National Interest cho rằng Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên sử dụng chiến thuật tấn công bầy đàn bằng máy bay không người lái cỡ nhỏ. Cơ quan dự án nghiên cứu quân sự cao cấp của Lầu Năm Góc (DARPA) cũng đang nghiên cứu máy bay không người lái kiểu "bầy đàn" (Swarm UAV) hay Chiến thuật tấn công bầy đàn UAV (OFFSET).
Nga từng có trải nghiệm trong chuyện này. Hồi năm 2018, một nhóm máy bay không người lái cỡ nhỏ, được trang bị thuốc nổ, đã được phiến quân Syria phóng đi từ một căn cứ không quân Nga ở Syria.
Bình luận (0)