Dưới đây là những nội dung thú vị của cuộc phỏng vấn đặc biệt này:
Cánh cửa mở ra và 7 cô gái lầm lũi bước vào hành lang lộng lẫy của khách sạn Koryo ở thủ đô Bình Nhưỡng. Những khuôn mặt đờ đẫn, hầu như không trang điểm, những cô gái ở độ tuổi đôi mươi này được cho là nằm trong số những gương mặt được tin cậy nhất ở Triều Tiên. Họ được chọn lựa kỹ càng từ những gia đình mẫu mực, để ra nước ngoài làm việc kiếm ngoại tệ cho chính phủ.
Tuy nhiên, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Cho tới hồi đầu tháng này, họ đang còn là tiếp viên tại một nhà hàng thuộc sở hữu nhà nước ở TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, miền Nam Trung Quốc. Thế nhưng, nhà hàng này mới bị đóng cửa và cuộc sống của những cô gái Triều Tiên mang trọng trách lớn trên trở nên phức tạp khó ngờ.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ rời bỏ cha mẹ, quê hương và Lãnh đạo Kim Jong-un. Không có ai trong chúng tôi định làm như vậy cả” – một cô gái tên Han Yun Hui nghẹn ngào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một cuộc gặp với các nữ quân nhân. Ảnh: REUTERS
Đào tẩu hay bị bắt cóc?
Trong khi đó, hồi tuần trước, Hàn Quốc công bố 12 phụ nữ và 1 nam giới Triều Tiên đã bỏ trốn sang nước này sau khi chịu nhiều sức ép từ chính quyền Triều Tiên về việc gởi tiền về nước, theo Người phát ngôn chính phủ Hàn Quốc.
“Những công nhân (nói trên) nói rằng họ đã tìm hiểu về cuộc sống ở Hàn Quốc thông qua truyền hình, phim ảnh và internet” – Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee cho hay.
Người phát ngôn của Tổ chức Chữ thập Đỏ Triều Tiên nhanh chóng phản pháo thông tin trên, gọi hành động của những công dân Triều Tiên nói trên rõ ràng là sự đào tẩu, từ bỏ đất nước.
Ông chủ nhà hàng nói dối
7 nữ tiếp viên dành cho CNN một cuộc phỏng vấn tại Bình Nhưỡng hôm 18-4. Họ chính là những cô gái trở về nước sau khi nhà hàng ở Ninh Ba đóng cửa. Đây là lần đầu tiên họ lên tiếng trước truyền thông. Theo lời kể của những cô gái này, ông chủ nhà hàng đã lừa 12 nữ tiếp viên khác bằng những lời nói dối.
“Hồi giữa tháng 3, ông chủ nhà hàng của chúng tôi tập hợp mọi người và nói rằng nhà hàng sẽ chuyển tới một địa điểm khác ở Đông Nam Á” - Choe Hye Yong, nữ tiếp viên trưởng của nhóm, cho biết.
Theo lời Choe, lúc đó ông chủ nói với riêng cô rằng họ thực ra sẽ được đưa sang Hàn Quốc. Và Choe đã chỉ đủ thời gian để cảnh báo thông tin này cho một số đồng nghiệp.
“Ngay lúc đó đã có một chiếc xe hơi đợi sẵn chúng tôi ở bên ngoài” – Choe chia sẻ trong nước mắt. Cô cho biết thêm rằng cô đã tìm hiểu được thông tin ông chủ nhà hàng và một doanh nhân Hàn Quốc đã sắp đặt chuyến đi theo chỉ đạo của chính quyền ở Seoul.
“Tôi nghĩ về các đồng nghiệp bị lừa đưa sang Hàn Quốc và đối mặt với những khổ sở ở đó mà không khỏi quặn thắt trong lòng” - Han Yun Hui vừa nói vừa nức nở.
Tuy nhiên, phản hồi của Bộ Thống nhất Triều Tiên với CNN lại có nội dung ngược lại. Tuyên bố của cơ quan này nói rằng: “13 kẻ đảo tẩu đã tự nguyện quyết định bỏ trốn sang Hàn Quốc mà không có sự trợ giúp bên ngoài. Thể theo nguyên vọng của họ, chính phủ của chúng tôi đã chấp nhận họ vì nhân đạo”.
Trung Quốc: Các công dân Triều Tiên đi hợp pháp
Nếu những gì Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói là sự thật thì đây sẽ là cú đánh nhục nhã đối với Bình Nhưỡng. Đặc biệt là khi cuộc đào tẩu nghiêm trọng này được Trung Quốc bật đèn xanh. Còn gì đau đớn hơn khi bị đồng minh thân cận nhất “chơi” như vậy. Tuy nhiên, hồi tuần trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lên tiếng về vụ việc hôm 11-4.
“Sau khi điều tra, 13 công dân Triều Tiên nói trên được phát hiện ở biên giới Trung Quốc với hộ chiếu hợp lệ vào sáng 6-4” – ông Lục cho biết.
Nhiều nhà phân tích cho rằng hành động này của Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Chính phủ của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang đối mặt với sự cô lập ngày càng lớn cũng như những lệnh trừng phạt nặng nề vì chương hạt nhân và tên lửa.
Bình luận (0)