Việc xây dựng đã được bật đèn xanh để bắt đầu trong năm 2020. Công ty này nằm trong một nhóm những doanh nghiệp xây dựng của Trung Quốc đang thực hiện ít nhất 5 dự án riêng biệt về bồi đắp đảo nhân tạo tại Vịnh Manila. Sau khi các dự án hoàn thành, toàn bộ Đại sứ quán Mỹ ở Philippines sẽ lọt thỏm giữa các đảo nhân tạo.
Báo Nikkei cho biết CHEC có liên quan đến vụ bê bối về một dự án đường cao tốc ở Bangladesh vào năm 2018. Đây cũng là công ty con của tập đoàn xây dựng khổng lồ Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC). CCCC từng chịu trách nhiệm trong việc biến các bãi đá và rạn san hô trên biển Đông thành chuỗi các tiền đồn quân sự và hàng hải phi pháp của Trung Quốc.
Ngày 6-12, Chủ tịch SM Prime Holdings Jeffrey Lim thông báo họ đã chọn xong các cố vấn và nhà thầu để thực hiện dự án.
Trong khi hành động quân sự hóa biển Đông của Bắc Kinh đang gây căng thẳng trong khu vực và làm xấu đi quan hệ của nước này với Washington, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại xem nhẹ vấn đề để đổi lấy mối quan hệ thân cận hơn với Trung Quốc thay vì Mỹ.
Bản vẽ một công trình trên đảo nhân tạo ở Vịnh Manila. Ảnh: UAA Kinming Group Development
Khu vực đảo nhân tạo sắp được mở rộng sẽ được xây thêm nhiều trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng và trung tâm giải trí.
Kế hoạch này được cho là sẽ giải quyết được vấn đề thiếu đất ở thủ đô Manila cũng như sự bùng nổ khách du lịch Trung Quốc và ngành sòng bài trực tuyến đang thu hút hàng trăm ngàn nhân công Trung Quốc.
Vào năm 2009, Ngân hàng Thế giới từng cấm CCCC và tất cả các đơn vị của công ty này tham gia vào các dự án đường sá do ngân hàng này tài trợ trong 8 năm vì bị cáo buộc có những "hành vi gian lận" trong một dự án làm đường ở Philippines.
Ông Gong Xue, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết bất chấp những bê bối trong hồ sơ, các công ty của Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn trong việc xử lý những dự án nước ngoài khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy sáng kiến gây tranh cãi Vành đai và Con đường.
Bình luận (0)