Những ngày qua, dư luận đang đặt câu hỏi Trung Quốc lại điều nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Hải Dương 8) xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa ở khu vực phía Nam biển Đông của Việt Nam nhằm mục đích gì? Có rất nhiều lý giải khác nhau về mục đích của Trung Quốc trong hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên này.
Tìm cách tạo ra "sự đã rồi"
Thực tế cho thấy với bất kỳ hành động nào trên biển Đông, Trung Quốc luôn có mục đích: Ngắn hạn, mang tính chiến thuật hay lâu dài, mang tính chiến lược. Theo diễn biến vụ việc, có thể nhận định việc điều nhóm tàu Hải Dương 8 đến khu vực bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc là nhằm kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong yêu sách đơn phương "đường lưỡi bò", chiếm 80% diện tích biển Đông.
Về pháp lý, Trung Quốc tìm cách tạo ra "sự đã rồi", với sự hiện diện thường xuyên của các phương tiện tại khu vực này để buộc Việt Nam, quốc gia luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh đối đầu, xung đột, phải chấp nhận chủ trương "cùng khai thác" của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận đây là vùng biển có tranh chấp, hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.
Về kinh tế, Trung Quốc đang gây sức ép để buộc Việt Nam phải đình chỉ mọi hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực vốn hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Các công ty nước ngoài đang khai thác dầu khí ở đây sẽ phải rút lui để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Hải Dương 8) của Trung Quốc. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn muốn làm mất giá trị phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của quy định của UNCLOS 1982 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến biển Đông năm 2016. Một mưu đồ khác của Trung Quốc là tiếp tục áp đặt yêu sách phi lý "đường lưỡi bò".
Những hành động xâm phạm đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam bằng biện pháp đe dọa dẫn đến chiến tranh như vậy cho thấy tham vọng của Trung Quốc là luôn muốn chiếm biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Chính những hành động phi pháp như vậy đã phá hủy niềm tin về một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình mà Bắc Kinh thường lớn tiếng. Ngoài ra, những hành động như vậy còn ngăn cản tiến trình thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng và nhất trí.
Giải quyết bằng biện pháp hòa bình
Nhận biết được mục đích, ý đồ của Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của mình, không để "thử" thành "thật", nếu không sẽ khiến Trung Quốc đạt mục đích và sẽ ngày càng lấn tới. Không lên án mạnh mẽ và ngăn chặn kịp thời sẽ tạo ra tiền lệ xấu về cách ứng xử dựa vào sức mạnh, bất chấp công lý và đạo lý trong quan hệ quốc tế ở thời đại văn minh, tiến bộ hiện nay; gây bất ổn về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh. Nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng nếu không kiểm soát được có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về hòa bình, ổn định và an ninh trên biển Đông.
Trước tình hình Trung Quốc tiếp tục có những hành vi xâm phạm vùng biển của Việt Nam hiện nay, Việt Nam cần phải duy trì chính sách giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và kêu gọi sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế. Điều này cũng có những lý do.
Thứ nhất, giải quyết bằng biện pháp hòa bình phù hợp với yêu cầu của luật pháp quốc tế bao gồm Hiến chương cũng như các văn bản pháp luật khác của Liên Hiệp Quốc. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Thứ hai, Việt Nam rất cần duy trì nền hòa bình để phát triển đất nước, tránh để rơi vào tình trạng chiến tranh như trước. Tuy nhiên, tránh chiến tranh không có nghĩa sẽ không tự vệ khi bị xâm lược. Cần lưu ý bài học sử dụng biện pháp dân sự cần thiết để ngăn không cho Trung Quốc lặp lại như trường hợp bãi cạn Scarborough năm 2012.
Theo đó, Việt Nam cần duy trì và tăng cường sự xuất hiện của lực lượng chấp pháp biển bao gồm cảnh sát biển, kiểm ngư để ngăn chặn các hành vi sai trái của các tàu Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam cần tranh thủ sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế. Muốn vậy, công tác truyền thông về sự kiện này cần được thực hiện hiệu quả, bài bản và liên tục thì quốc tế mới chú ý và lên tiếng trong trường hợp này…
Khung pháp lý cho an ninh và hòa bình ở biển Đông
Nhà Trắng hôm 20-8 tiếp tục chỉ trích "những thủ đoạn bắt nạt" của Trung Quốc ở biển Đông và nhấn mạnh Washington sẽ chống lại hành vi này của Bắc Kinh. "Việc Trung Quốc gần đây leo thang nỗ lực đe dọa các nước khác từ bỏ hoạt động khai thác tài nguyên ở biển Đông là đáng lo ngại. Mỹ kiên quyết đứng về phía những nước phản đối hành vi cưỡng ép và các thủ đoạn bắt nạt đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực" - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton viết trên mạng Twitter.
Phản ứng mạnh trên được đưa ra giữa lúc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 13-8 bất chấp sự lên án của dư luận quốc tế. Vào tháng rồi, cũng chính ông Bolton đã có những chỉ trích tương tự sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo quan chức này, hành động bắt nạt của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định ở khu vực. Trong khi đó, theo Reuters, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hành vi bắt nạt và không thực hiện những hành động khiêu khích cũng như gây bất ổn như vừa qua.
Liên quan đến vấn đề nói trên, ông Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa chính trị Hàn Quốc, cho rằng việc nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực bãi Tư Chính là hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. TTXVN dẫn lời ông Lee Woong-Hyeon nhấn mạnh các nước không nên từ bỏ những nỗ lực sử dụng các chuẩn mực quốc tế để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp.
Có một khung pháp lý cho hòa bình và an ninh ở biển Đông bên cạnh nguyên tắc chung lâu nay về tự do hàng hải là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây là khung tham chiếu pháp lý quan trọng nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể củng cố lập trường của mình. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan năm 2016 cũng đã bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở biển Đông.
Ông Lee Woong-Hyeon cho rằng Việt Nam cần duy trì sự thống nhất về chiến lược, lý luận và chính sách, điều này sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và có thể có được vị thế vững chắc hơn. Điều cần thiết là các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử cần chuẩn bị cho cuộc tranh luận có thể diễn ra về chủ quyền hợp pháp đối với vùng biển này theo bằng chứng lịch sử và các quy định của luật pháp quốc tế.
Hoàng Phương
Bình luận (0)