Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 22-6 bác bỏ luận điệu “hai nước không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nhưng có một vài tuyên bố chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải” (ở vùng biển quanh quần đảo Natuna) do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trước đó 1 ngày.
Chỉ huy Hạm đội Tây của Hải quân Indonesia, Chuẩn Đô đốc A. Taufiq R., hôm 21-6 vạch trần âm mưu ẩn sau hành động “cướp cá” của Trung Quốc. Theo ông, sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc xung quanh Natuna nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông. Quan điểm này được chia sẻ bởi bà Colin Willett, Phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, trong cuộc họp báo qua điện thoại với báo giới Đông Nam Á hôm 22-6.
“Việc đội tàu cá Trung Quốc được tàu hải cảnh hộ tống là xu hướng đáng lo ngại. Dường như đây là cách để họ áp đặt tuyên bố chủ quyền bất chấp luật pháp, qua đó mở rộng hiện diện của Trung Quốc - cả lực lượng quân sự lẫn bán quân sự - một cách khiêu khích và có thể gây bất ổn” - bà Willett nhận định. Tham gia cuộc họp báo, phóng viên Báo Người Lao Động cho biết Washington đang tập trung theo dõi thái độ của Trung Quốc một khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague - Hà Lan ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông (dự kiến vào ngày 7-7 tới).
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, ngày 21-6 tiết lộ ông đã hỏi Đại sứ Mỹ Philip Goldberg rằng liệu Washington có ủng hộ Manila nếu xảy ra đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trên biển Đông hay không. Theo ông Duterte, ông Goldberg trả lời: “Mỹ chỉ hỗ trợ trong trường hợp Philippines bị tấn công”. Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận cụ thể thông tin trên nhưng nhấn mạnh liên minh Mỹ - Philippines vô cùng bền chặt, đồng thời cam kết thực hiện hiệp ước an ninh song phương. Cuối tuần trước, Hải quân Mỹ triển khai cùng lúc 2 siêu tàu sân bay đến vùng biển Philippines. Động thái hiếm thấy này được xem là lời bảo chứng dành cho đồng minh Đông Nam Á.
Biển Đông cũng là điểm nóng trong cuộc họp báo ngày 21-6 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh một mặt nhấn mạnh Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện của Philippines, mặt khác tái khẳng định hơn 60 quốc gia đang ủng hộ quan điểm của nước này chứ không chỉ có 8 nước như truyền thông phương Tây công bố.
“Bằng việc đơn phương khởi kiện, Philippines đã lạm dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vi phạm luật pháp quốc tế nói chung. Và bằng cách không tham gia vụ kiện, Trung Quốc đang duy trì luật pháp quốc tế” - bà Hoa tuyên bố ngược ngạo, đồng thời kể tên một số nước ủng hộ Bắc Kinh “không mấy liên quan” như Zambia, Cameroon, Ethiopia và Malawi… Đối với thông tin Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS trong trường hợp bị PCA phán quyết bất lợi, bà Hoa đổ lỗi cho truyền thông Nhật Bản “lan truyền tin đồn”.
Bình luận (0)