Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí khởi động đàm phán về thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Giới truyền thông Nhật Bản cho biết Tokyo nhiều khả năng đồng ý xuất sang Manila máy bay trinh sát chống ngầm P-3C và công nghệ radar.
Ngoài ra, 2 nước còn ký thỏa thuận về việc Nhật Bản cung cấp 10 tàu tuần tra để giúp Philippines cải thiện khả năng tuần tra tại biển Đông.
Tuyên bố chung sau cuộc gặp cũng cho biết 2 nước đồng ý tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, tập trận, huấn luyện chung nhiều hơn cũng như bảo đảm an toàn hàng hải ở biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Philippines Benigno Aquino
tại lễ ký kết các văn kiện hợp tác hôm 4-6. Ảnh: Reuters
Cũng tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Úc Kevin Andrews hôm 3-6 bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc liên tục gây căng thẳng ở biển Đông. “Chúng tôi phản đối thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đồng thời chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc” - ông Nakatani nói với các phóng viên.
Không chỉ quan ngại suông, chính phủ Úc còn đang tích cực xem xét khả năng triển khai máy bay giám sát P-3 đến không phận trên vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở biển Đông, theo báo The Australian hôm 2-6.
Trong khi đó, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm 3-6 kêu gọi Hàn Quốc phản đối những hành động đơn phương sai trái của Trung Quốc ở biển Đông. Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington - Mỹ, ông Russel cho rằng do không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nên Seoul càng có lý do để lên tiếng ủng hộ những nguyên tắc phổ quát và sự thượng tôn của pháp luật.
Mặt khác, theo ông, hành vi của Trung Quốc ở biển Đông khiến người ta không khỏi nghi ngờ về kiểu sức mạnh mà Bắc Kinh muốn tìm kiếm.
Còn tại Philippines, đám đông biểu tình đã tập trung bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Makati hôm 4-6 để đòi Bắc Kinh chấm dứt hoạt động xâm lấn ở biển Đông.
Bình luận (0)