Các tài liệu đó liên quan đến quân đội Trung Quốc và các tàu tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền ở biển Hoa Đông.
Người đàn ông nêu trên tên là Trần Uy, đến từ tỉnh Chiết Giang, được chiêu mộ khi đang làm việc ở nước ngoài. Người chiêu mộ ông Trần được xác định là Kỳ Điền, hiện không rõ quốc tịch.
Theo truyền thông Trung Quốc, tại một số hội thảo cuối năm 2012, Kỳ Điền lân la làm thân với Trần Uy khi nói về vấn đề tôn giáo và ngỏ ý muốn học tiếng Trung.
Trần Uy bị bắt vào tháng 12-2013 sau khi chụp hình một căn cứ quân sự. Ảnh: CCTV
Khi ngày càng trở nên thân thiết, Kỳ Điền nhờ Trần Uy để nhờ chụp ảnh các hải cảng ở Chiết Giang, nằm gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trần Uy bị bắt vào tháng 12-2013 sau khi chụp hình một căn cứ quân sự. Mặc dù công bố Trần Uy lãnh án 7 năm tù nhưng truyền hình Trung Quốc không đề cập thời điểm ông ta bị kết án.
Mới đây, Trung Quốc hôm 20-4 kết án tử hình một kỹ thuật viên 42 tuổi vì tội tiết lộ hơn 150.000 tài liệu mật cho một thế lực nước ngoài chưa được xác định.
Luật bí mật nhà nước của Trung Quốc có nội hàm rất rộng, từ dữ liệu công nghiệp cho tới ngày sinh chính xác của các lãnh đạo. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc siết chặt luật về bảo đảm an ninh để chống lại các nguy cơ từ trong nước hoặc nước ngoài.
Những đạo luật mà ông Tập thông qua, hoặc muốn thông qua, khiến chính phủ phương Tây lo ngại.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 21-4 gửi đồ lễ tới ngôi đền thờ các nạn nhân chiến tranh Yasukuni ở thủ đô Tokyo trong ngày đầu tiên của lễ hội mùa Xuân.
Dẫu không đích thân mang tới song động thái này có thể chọc giận Trung Quốc giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh thu xếp cuộc gặp trong nỗ lực cải thiện quan hệ. Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và người đồng cấp Vương Nghị dự kiến gặp nhau vào ngày 30-4 với nỗ lực giảm bớt căng thẳng về một loạt vấn đề, trong đó có tình hình biển Đông.
Bình luận (0)