Để phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông, Trung Quốc không ngần ngại ra tay tàn phá môi trường của vùng biển đang đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực của những nước xung quanh.
Vi phạm luật pháp quốc tế
Mới đây nhất, đã xuất hiện cáo buộc của tổ chức phi lợi nhuận Kalayaan ATIN ITO (Philippines) về việc tàu Trung Quốc cố tình thả hóa chất để tiêu diệt san hô và sinh vật biển quanh đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines đang chiếm đóng trái phép đảo này và gọi nó là Pag-asa. Theo Kalayaan ATIN ITO, Trung Quốc tìm cách ép người dân rời khỏi đảo nhằm cô lập và chiếm giữ nơi này dễ dàng hơn.
Để tăng tính xác thực, hôm 30-4, trang Facebook của tổ chức này đăng tải 2 hình ảnh được cho là chụp cảnh cá chết hàng loạt trên đảo Thị Tứ. Ngoài ra, họ còn đăng một lá thư chỉ trích chính quyền địa phương không ra tay ngăn chặn hành vi hủy hoại môi trường của Bắc Kinh.
Là tổ chức tập hợp các sinh viên và thanh niên Philippines, Kalayaan ATIN ITO từng vài lần đi thuyền ra đảo Thị Tứ để phản đối hành động cải tạo, quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở biển Đông. Cách đây gần 1 năm, giới chức Philippines tại hòn đảo này cũng lên án tàu cá Trung Quốc sử dụng chất nổ và chất độc cyanide trong quá trình hoạt động gần đó. Đến cuối năm ngoái, một phóng sự của đài BBC cho thấy tàu Trung Quốc đã hủy hoại nhiều rạn san hô trong quá trình khai thác một loài trai lớn tại một bãi đá gần đảo Thị Tứ.
Nghiêm trọng hơn, hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông không chỉ tàn phá môi trường mà còn làm tổn hại ngư trường và vi phạm luật pháp quốc tế về bảo vệ môi trường. “Sự đa dạng sinh học của biển Đông, tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa đối với sinh thái khu vực khiến người ta đặc biệt quan ngại các hành động của Trung Quốc, nhất là với quy mô và tốc độ như hiện nay” - báo cáo được trình lên Ủy ban Xem xét kinh tế và an ninh Mỹ - Trung Quốc thuộc quốc hội Mỹ vào tháng rồi chỉ trích mạnh mẽ.
Chiến lược bêu riếu
Tính từ tháng 12-2013 tới tháng 10-2015, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 1.214 ha đất trên 7 bãi đá mà nước này chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Quy mô này vượt xa hoạt động của Malaysia (28,3 ha), Philippines (5,6 ha) và Đài Loan (3,2 ha), theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Báo cáo trên ước tính các máy nạo vét của Trung Quốc đã chất đống cát sỏi lên các bãi đá ngầm, ngăn cản ánh sáng mặt trời rọi tới các sinh vật bên dưới, như san hô, khiến chúng không thể sống nổi. Hoạt động cải tạo trên còn làm nhiều cá chết hoặc đuổi chúng khỏi các bãi đá ngầm cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến ngư trường nhiều nước.
Tạp chí The Diplomat nhận định sự suy giảm lượng cá ảnh hưởng đến an ninh lương thực của các quốc gia, lãnh thổ có tranh chấp ở biển Đông. Đáng lo hơn, ngư dân các nước trong quá trình mưu sinh có thể bị cuốn vào các cuộc “chiến tranh cá”. Vì thế, ông Harry Kazianis, nhà nghiên cứu về chính sách quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích vì quốc gia (Mỹ), cho rằng đã đến lúc toàn bộ quốc gia châu Á lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay chương trình cải tạo đất quy mô lớn. Bên cạnh đó, theo The Diplomat, các nhà khoa học cần đưa ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng hoạt động nạo vét ở biển Đông.
Riêng với Mỹ, ông Kazianis hiến kế Washington có thể sử dụng “chiến lược bêu riếu”, cụ thể là cung cấp cho giới truyền thông và các nhóm môi trường mọi thông tin tình báo liên quan đến những tác hại môi trường do Trung Quốc gây ra ở biển Đông. Sau đó, những nhóm này sử dụng các biện pháp cứng rắn hoặc tận dụng sức mạnh của truyền thông xã hội để vạch trần “bộ mặt sát thủ môi trường” của Bắc Kinh, từ đó khiến nước này mất mặt trong cộng đồng quốc tế.
Tàu chiến Mỹ tái xuất
Tàu khu trục tên lửa USS William P.Lawrence của Hải quân Mỹ vừa tiến hành “tuần tra thường lệ” hôm 2-5 tại vùng biển quốc tế của biển Đông nhưng vị trí chính xác không được tiết lộ. Báo giới Philippines hôm 5-5 cho biết cuộc tuần tra nằm trong khuôn khổ thông thường của Hạm đội 7. Tàu USS William P. Lawrence thuộc nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS John C. Stennis dẫn đầu. “Chúng tôi có lợi ích kinh tế ở biển Đông và thực sự cần phải hiện diện ở đây vì lợi ích quốc gia và bảo đảm đường biển này được tự do thông thương” - chỉ huy nhóm tàu USS John C. Stennis, ông Ron Boxall, nhấn mạnh.
Thông tin về chuyến đi xuất hiện một ngày sau khi Trung Quốc thông báo tiến hành một số cuộc tập trận ở biển Đông trong tháng này “nhằm cải thiện năng lực chống ngầm, chống tên lửa và các kỹ năng khác”. Tham gia tập trận có một số tàu chiến, tàu ngầm và tàu khu trục tên lửa dẫn đường thế hệ mới. Tân Hoa Xã không nói rõ địa điểm tập trận mà chỉ lưu ý đây là hoạt động đã được lên kế hoạch trong năm nay.
Thu Hằng
Bình luận (0)