Mặc dù các bên có tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông đưa lực lượng quân sự, vũ khí tới các tiền đồn của mình nhưng không bên nào có thể so được với quy mô hoạt động quân sự ráo riết của Trung Quốc tại khu vực này trong 2 năm qua.
Đó là nhận định của phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Colin Willett tại cuộc họp báo qua điện thoại từ thủ đô Washington với báo giới khu vực Đông Nam Á, trong đó có phóng viên Báo Người Lao Động, hôm 29-3 (giờ Việt Nam). “Những gì Trung Quốc đang làm (ở biển Đông) rõ ràng là vượt xa những gì các bên còn lại đã thực hiện trong vài thập kỷ qua. Lập luận của Trung Quốc rằng những tiền đồn quân sự của họ là công trình dân sự không đủ sức thuyết phục” - bà Willett nhận định tại cuộc họp báo tập trung vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ và an ninh hàng hải ở biển Đông.
Nhà ngoại giao cũng chỉ rõ những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông đã lấn án tất cả các bên liên quan. Ngoài ra, Bắc Kinh không cần những hành động quân sự hóa quyết liệt như triển khai tên lửa và chiến đấu cơ để “bảo vệ dân thường, hỗ trợ ngư dân gặp nạn hoặc giám sát thời tiết” như họ tuyên bố.
“Đường băng Trung Quốc xây dựng vốn được thiết kế cho máy bay ném bom chiến lược chứ không phải máy bay vận tải phục vụ cứu trợ nhân đạo hoặc thảm họa” - bà Willett chỉ trích khi đề cập các đường băng trái phép của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và một số đảo nhân tạo (quần đảo Trường Sa, đều thuộc chủ quyền Việt Nam).
Giáo sư Peter Dutton tại buổi trao đổi với các phóng viên Việt Nam Ảnh: Phương Võ
Về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), bà Willett khuyên Bắc Kinh không nên phớt lờ phán quyết cuối cùng của tòa này bởi làm vậy sẽ càng gia tăng đối đầu với các nước láng giềng. “Theo quan điểm của chúng tôi, nên xem phán quyết là cơ hội cho một giải pháp ngoại giao thực sự, không phải mối đe dọa” - bà nhận định.
Quan điểm trên cũng được giáo sư nghiên cứu chiến lược Peter Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, chia sẻ tại buổi trao đổi trực tuyến với các phóng viên tại TP HCM về Luật Biển, mối quan hệ của luật này đến biển Đông và các vấn đề liên quan diễn ra cùng ngày 29-3. Theo ông Dutton, điều cần rút ra từ phán quyết của PCA không phải là chuyện ai thắng ai thua. Quan trọng hơn, việc tìm đến sự phân xử của PCA mang lại cơ hội tốt để các bên liên quan tăng cường đối thoại nhằm thu hẹp khoảng cách.
Giáo sư Dutton đánh giá chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ trên biển Đông nhằm bảo vệ tự do thương mại, duy trì một trật tự hàng hải toàn cầu mở, tăng cường gắn kết với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cũng như ngăn chặn việc sử dụng vũ lực để cản trở sự tiếp cận tại đó. Trước những lo ngại rằng chiến dịch này không hiệu quả trong việc buộc Trung Quốc chấm dứt hành động đơn phương sai trái ở biển Đông, ông Dutton cho rằng đó không nhất thiết phải là mục tiêu Mỹ theo đuổi. Thay vào đó, Washington cần chứng tỏ nước này sẽ không lùi bước trước sự lấn tới của Bắc Kinh ở đó, cũng như tiếp tục cho tàu, máy bay hoạt động tại những nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm biển Đông.
Mặt khác, chuyên gia này nhấn mạnh vai trò của Mỹ ở biển Đông là ngăn chặn căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang, cũng như giúp các nước phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển của riêng mình, tăng cường năng lực bảo vệ an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin...
Biển Đông hâm nóng Washington
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại thủ đô Washington trong ngày 31-3 chắc chắn thu hút sự quan tâm đặc biệt. Hãng tin AP nhận định chủ đề nóng và gây chia rẽ nhất tại cuộc gặp chính là hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép ở biển Đông nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm vùng biển quan trọng này.
Ông Jeffrey Bader, một cựu cố vấn của ông Obama, cho rằng cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đang lo ngại về phản ứng của Trung Quốc trước một phán quyết bất lợi của PCA, dự kiến được đưa ra vào giữa năm nay, trong đó không loại trừ khả năng Bắc Kinh gây sức ép quân sự lên Manila. Do Philippines là đồng minh của Mỹ nên Tổng thống Obama có thể “cảnh báo ông Tập về những nguy cơ nếu để căng thẳng leo thang” - theo ông Bader.
Bình luận (0)