Tạp chí này cho rằng không một quốc gia nào liên quan tới các tranh chấp ở biển Đông, kể cả Trung Quốc, hiểu chính xác về những gì Bắc Kinh đang cố gắng thực hiện tại vùng biển quốc tế này.
Theo Foreign Policy, hiện có 3 trường phái tư tưởng đang tranh luận quyết liệt trong nội bộ Trung Quốc về cách thức áp dụng chính sách đối ngoại phù hợp ở biển Đông. Các cuộc tranh luận phần nào giải thích sự thiếu thông tin liên lạc hiệu quả cùng với sự mất lòng tin chiến lược giữa Trung Quốc, các nước Đông Nam Á liên quan tới tranh chấp và Mỹ.
Trường phái duy thực
Những người theo trường phái này của Trung Quốc tin rằng các nguyên tắc cơ bản của chính sách biển Đông của Trung Quốc là đúng đắn, không cần phải điều chỉnh gì thêm. Họ coi trọng sự hiện diện và ưu tiên vật chất hơn việc đánh giá cao hình ảnh của quốc gia ở nước ngoài.
Đối với những người có óc thực tế như vậy, sức mạnh vật chất là yếu tố quyết định khi làm chính trị trên trường quốc tế. Do đó, họ nghĩ rằng thời gian đang ủng hộ Trung Quốc miễn là Bắc Kinh ngày một tăng cường các giá trị vật chất của mình.
Các nhà duy thực nghĩ họ đang bảo vệ lợi ích quốc gia nhưng họ không chắc chắn những gì phải làm đối với các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông. Bắc Kinh nên triển khai thêm các hệ thống vũ khí tấn công hay tập trung phòng thủ để duy trì hiện trạng? Phái duy thực muốn quyền lực ở biển Đông nhưng không biết cần huy động bao nhiêu sức mạnh là đủ.
Trường phái bảo thủ
Trường phái này kêu gọi Trung Quốc mở rộng phạm vi lãnh thổ cũng như hoạt động quân sự hóa biển Đông. Các hoạt động mở rộng bao gồm biến đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự nhỏ, chuyển bản đồ “đường chín đoạn” thành một đường ranh giới lãnh hải, qua đó củng cố và khẳng định tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông.
Mục đích hàng đầu của các nhà bảo thủ Trung Quốc là tối đa hóa lợi ích đất nước. Đường lối cứng rắn có thể được nhìn thấy trong các cơ quan quân sự, thực thi pháp luật, thậm chí cả công chúng. Foreign Policy cho biết đây là tầng lớp có một cái nhìn hời hợt về tình hình biển Đông do chính phủ đại lục thường mơ hồ trong việc phản ánh quan điểm. Đồng thời, những phê bình và chỉ trích nặng tay hiếm khi được công bố rộng rãi.
Sự khác biệt giữa phe bảo thủ và duy thực, đó là phe bảo thủ mặc dù cũng dựa trên chính sách thực dụng nhưng chủ nghĩa siêu dân tộc của nhóm này được đánh giá cao hơn một bậc, khiến cho việc giao tiếp với thế giới bên ngoài trở nên khó khăn gấp nhiều lần.
Trường phái ôn hòa
Những người thuộc trường phái này đòi hỏi Bắc Kinh điều chỉnh các chính sách, cụ thể là các mục tiêu ở biển Đông. Họ nhận ra sự mơ hồ đối với các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của chính phủ, đồng thời chỉ trích việc không thúc đẩy giao tiếp hiệu quả với thế giới bên ngoài.
Phái ôn hòa cũng tin đây là thời gian Bắc Kinh phải làm rõ yêu sách “đường chín đoạn”. Bởi tiếp tục duy trì lằn ranh mơ hồ này sẽ là một gánh nặng lịch sử cũng như trở ngại không cần thiết cho đối ngoại.
Theo quan điểm của họ, giải thích bản đồ “đường chín đoạn” như là một đường phân định ranh giới lãnh hải chẳng mang lại gì khác ngoài việc biến Trung Quốc thành kẻ thù của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ. Ngoài ra, họ còn lo ngại Trung Quốc đang thiếu một chiến lược rõ ràng và hiệu quả ở biển Đông.
Bất kể một số khác biệt sâu sắc, cả 3 trường phái nói trên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở biển Đông. Tất cả đều cảm thấy rằng trong giai đoạn hiện nay, để phục vụ cho sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc phải tăng cường sự hiện diện sao cho tương xứng với sức mạnh mới cũng như hiện trạng bị thay đổi trái luật ở biển Đông.
Bình luận (0)