Theo tin từ TTX Việt Nam dẫn nguồn Tân Hoa Xã cho biết chiếc tàu trên có tên “Quỳnh Tam Á F-8138” hay còn gọi là tàu “Giang Hải 1”. Tàu này do Công ty hữu hạn Giang Hải thuộc tỉnh Hải Nam nâng cấp, dài 100,2 m, rộng 15,2 m, cao 13,8 m. Sau khi hạ thủy, tàu neo đậu tại vùng biển gần cảng Dương Phố thuộc tỉnh Hải Nam.
Không chỉ có đủ chức năng đánh bắt trên biển, gia công thô và tinh, cắt lát sấy khô... tàu này còn đảm bảo đầy đủ dịch vụ hậu cần cho các tàu cá tác nghiệp ở Trường Sa. Đây là tàu ngư nghiệp lớn nhất ở Nam Hải hiện nay được đưa đến Trường Sa sau tàu hậu cần 3.000 tấn đến vùng biển này hôm 12-7.
Tàu cá Trung Quốc tập trung ở cảng Đàm Môn tại Quỳnh Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã
Đây được xem là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Ngày 24-8, ông Lương Thanh Nghị -phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị.
Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10-2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.
Trung Quốc từng nhiều lần cho tàu ra đánh bắt ở Trường Sa. Ảnh: Tân Hoa Xã
Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.
Ngày 24- 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bình luận (0)