Trong cuộc họp báo chiều 8-5 tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã né tránh các câu hỏi của các phóng viên về số tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan HD-981, không cung cấp hình ảnh nào khi nói tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc 171 lần. Vụ phó Vụ Biên giới và Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Dịch Tiên Lương cũng không trả lời câu hỏi có thủy thủ Trung Quốc nào bị thương hay không?
Dùng vòi rồng là... kiềm chế
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc cũng cáo buộc tàu Việt Nam đều “trang bị vũ khí tối tân” trong khi các tàu Trung Quốc phần lớn là tàu dân dụng và tàu nghiệp vụ, không có tàu hải quân. Tuy nhiên, ông Gordon G. Chang (Chương Gia Đôn) - chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, châu Á và chống phổ biến vũ khí hạt nhân - đã chỉ rõ đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai sử dụng tàu vỏ xám (tàu quân sự) để hỗ trợ chặt chẽ các tàu vỏ trắng (lực lượng Hải cảnh, Ngư chính, Hải giám) trên biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định trong số 80 tàu Trung Quốc có 7 tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753 cùng 33 tàu Hải giám, Hải cảnh, Ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá và tàu phục vụ khác.
Trung Quốc gọi hành động phun vòi rồng vào tàu Việt Nam là “kiềm chế tối đa”
Ảnh: REUTERS
Trả lời câu hỏi Trung Quốc có sử dụng vòi rồng công suất lớn gây hư hại tàu thuyền và làm bị thương thủy thủ Việt Nam hay không, ông Dịch Tiên Lương trả lời đó là mức độ nhẹ nhất khi va chạm trên biển và thản nhiên bình luận “Bắc Kinh đã kiềm chế tối đa”.
Vụ phó họ Dịch lặp lại lập luận sai trái rằng các hoạt động khoan dầu là hợp pháp bởi họ đang ở trong “lãnh thổ của Trung Quốc” và đòi hỏi Việt Nam rút tàu về trước khi “đàm phán”. Về việc này, tạp chí Diplomat nhắc nhở Trung Quốc và Philippines từng thỏa thuận cùng rút tàu khỏi Scarborough nhưng sau khi Manila rút tàu, Bắc Kinh thừa cơ chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này.
Bắt nạt láng giềng
Các cơ quan truyền thông lớn của quốc tế đồng loạt đưa tin về cuộc họp báo ngày 8-5 của Trung Quốc nhưng sau đó tiếp tục có bình luận theo hướng Bắc Kinh là phía chủ động gây hấn.
Báo The New York Times (Mỹ) viết: “Khi Trung Quốc cho rằng dùng vòi rồng là một hình thức kiềm chế, tức là nước này nhấn mạnh thêm nữa lập trường “nói chuyện bằng sức mạnh” đối với các nước châu Á láng giềng”. Phân tích với báo này, ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung thuộc Hội châu Á tại New York, dự đoán sẽ không có đụng độ vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã “tạo ra một môi trường mà trong đó rất khó để giữ quan hệ hữu nghị với láng giềng”.
Báo The Guardian (Anh) chỉ rõ việc Trung Quốc triển khai giàn khoan cùng đội tàu hộ tống là một trong những bước đi khiêu khích nhất trong chiến lược lấn chiếm dần biển Đông. Tờ báo dẫn lời ông Bruce Jacobs, chuyên gia về an ninh châu Á tại Trường ĐH Monash (Úc), nói: “Quân đội Trung Quốc muốn được cấp ngân sách nhiều hơn, còn giới lãnh đạo muốn có sự hậu thuẫn của quân đội. Vì mối quan hệ hỗ tương này nên sẽ không có thúc đẩy hòa bình từ phía Trung Quốc”.
Hành động hung hăng của Trung Quốc dường như gây tác dụng ngược với Bắc Kinh, theo tạp chí Foreign Policy. Trong khi Philippines tạo ra một tiền lệ chưa từng có là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hồi đầu năm 2014 thì Indonesia và Malaysia cũng dần từ bỏ thái độ trung lập đối với các tranh chấp ở biển Đông.
“Một khả năng có thể phát sinh từ vụ Trung Quốc gây hấn với Việt Nam là các bên có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông - đặc biệt là Philippines, Malaysia và Việt Nam - sẽ tăng cường hợp tác với nhau” - ông Ely Ratner, một quan chức cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định. Cũng theo ông Ratner, nỗ lực xích lại gần nhau của Trung Quốc và Nga cũng có khả năng bị ảnh hưởng vì “một số nước bị Bắc Kinh chèn ép có mối quan hệ thân cận với Nga”.
Về lập luận giàn khoan đặt trong “lãnh thổ Trung Quốc”, báo Sankei (Nhật Bản) bác bỏ: “Căn cứ mà Trung Quốc dựa vào là “đường chín đoạn” do chính họ tự đặt ra, khoanh vùng gần như toàn bộ biển Đông. Cách lập luận này hoàn toàn trái ngược với khái niệm lãnh hải bắt nguồn từ lục địa và không được công nhận trên bình diện quốc tế. (...) Tương tự với việc tiến ra biển Hoa Đông bất chấp luật pháp, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chính là ý đồ thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và làm bất ổn tình hình. Không thể tha thứ cho những toan tính này”.
Thế giới tiếp tục lên tiếng
Trong cuộc họp báo ngày 9-5, người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Farhan Haq cho rằng các bên liên quan trong tranh chấp ở biển Đông nên giải quyết vấn đề theo cách hữu nghị. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp của các nước khác. “Căng thẳng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt nguồn từ những khiêu khích đơn phương của Trung Quốc. Bắc Kinh nên giải thích với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về cơ sở pháp lý cũng như những hành động đang làm ở biển Đông”- Ngoại trưởng Kishida nói.
Một ngày trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo báo chí kêu gọi các bên liên quan trong vấn đề biển Đông tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tránh những hành động đơn phương gây ảnh hưởng an ninh khu vực. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8-5 một lần nữa khẳng định tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc gây ra.
Bình luận (0)