IMF xác nhận Angola - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của châu Phi - đã đạt được thỏa thuận về việc tái cơ cấu nợ với một số chủ nợ lớn giấu tên, nhiều khả năng là các ngân hàng Trung Quốc. Theo IMF, điều này giúp Angola giảm bớt áp lực tài chính cũng như giảm nhu cầu tài chính trong nước.
Angola trước đó chứng kiến triển vọng kinh tế xấu đi do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và giá dầu trồi sụt.
Nền kinh tế Angola đang trong tình trạng suy thoái năm thứ 5 liên tiếp. Dầu mỏ chiếm 95% xuất khẩu và 2/3 doanh thu của chính phủ Angola. Vào cuối năm nay, IMF thống kê tỉ lệ nợ của nước này hiện tương đương 123% GDP.
Ngân hàng Trung Quốc (BOC) thành lập chi nhánh tại Angola năm 2017. Ảnh: Tân Hoa Xã
Báo cáo của IMF tiết lộ thỏa thuận tái cơ cấu nợ với một trong hai chủ nợ lớn hồi tháng 6 sẽ cho Angola thời hạn 3 năm để thanh toán nợ gốc. Khoản nợ gốc trả chậm này đến hạn từ nửa cuối năm 2020 đến năm 2023 và sẽ được hoàn trả trong 7 năm sau thời gian ân hạn.
Thỏa thuận với chủ nợ lớn thứ hai đang được xem xét bằng cách tính lại khoản thanh toán nợ gốc.
Các nhà phân tích nói với SCMP rằng các chủ nợ của Angola bao gồm Ngân hàng xuất nhập khẩu, Ngân hàng Phát triển (CDB) và Ngân hàng Công thương (ICBC) của Trung Quốc.
Bắc Kinh không công khai bất kỳ thỏa thuận nào với Angola nhưng tuyên bố họ đạt được thỏa thuận với hơn 10 quốc gia vào cuối tháng 7. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này nhận được hơn 20 yêu cầu tái cơ cấu nợ kể từ khi thỏa thuận giãn nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được thông qua hồi tháng 4. Tuy nhiên, Trung Quốc không cho biết quốc gia nào được hưởng lợi từ việc giãn nợ.
SCMP cho hay một thỏa thuận tái cơ cấu nợ từ Trung Quốc, nhà cho vay lớn nhất của Angola, được cho là điều kiện tiên quyết để IMF phê duyệt bất kỳ khoản hỗ trợ nào khác cho quốc gia này.
Hôm 31-8, các thành viên của Câu lạc bộ Paris (tập hợp các quốc gia là chủ nợ lớn) đã đồng ý giãn nợ cho Angola, cho phép hoãn thanh toán khoản nợ 310 triệu USD đến ngày 31-12-2020, thay vì trả vào ngày 1-5 qua.
Ông Bradley Parks, chuyên gia tại Trường ĐH William và Mary (Mỹ), giải thích Trung Quốc không muốn công khai các điều khoản của thỏa thuận giãn nợ vì lo ngại điều này có thể gây ra làn sóng yêu cầu giãn nợ mới từ các nước vay tiền khác.
Bình luận (0)