Thông báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia dự án phát triển và phân phối vắc-xin ngừa dịch Covid-19 do WHO dẫn đầu.
Quyết định giữ lại khoảng 62 triệu USD các khoản phí còn "nợ" WHO năm 2020 là một phần trong quyết định của ông Trump về việc rút khỏi tổ chức này vì cách xử lý đại dịch Covid-19 và cáo buộc cơ quan này chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Mặc dù quá trình rời WHO đang được tiến hành, các quan chức Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục tham gia các cuộc họp chọn lọc của WHO và đóng góp một lần cho các chương trình cụ thể trước khi quyết định rời đi có hiệu lực vào tháng 7 năm sau. Các chương trình đó bao gồm các dự án xóa bỏ bệnh bại liệt ở Afghanistan và Pakistan, cứu trợ nhân đạo ở Libya và Syria và các nỗ lực chống lại bệnh cúm.
Quyết định rút Mỹ khỏi WHO của ông Trump chính thức có hiệu lực vào tháng 7 năm sau. Ảnh: AP
Vào thời điểm thông báo rút khỏi WHO, Mỹ đã thanh toán 58 triệu USD "hội phí đóng góp" trong đợt đầu tiên và còn lại khoản tiền 62 triệu USD của đợt thứ hai.
Trước khi quyết định rút khỏi WHO chính thức có hiệu lực, các quan chức cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tham gia các cuộc họp của WHO có ảnh hưởng trực tiếp đến các lợi ích y tế, thương mại và an ninh quốc gia Mỹ. "Chúng tôi sẽ xem xét những điều đó trên cơ sở từng trường hợp" - Phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các tổ chức quốc tế Nerissa Cook nói với hãng tin AP.
Các quan chức tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Y tế Mỹ không cho biết cơ quan nào của Liên Hiệp Quốc sẽ nhận được số tiền 62 triệu USD mà Washington còn "nợ" WHO hay liệu chúng có được sử dụng để thanh toán khoản "nợ" của Mỹ cho quỹ chung của cơ quan này hay không. Theo luật pháp Mỹ, các "khoản nợ" phải được trả trước khi Mỹ rút khỏi hầu hết các tổ chức quốc tế.
Bình luận (0)