Đó là nhận định của ông Huang Qifan, cựu Thị trưởng TP Trùng Khánh, tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh cuối tuần trước.
Hiện là giáo sư kinh tế tại Trường ĐH Phục Đán (Trung Quốc), ông Huang cho rằng không cần quá lo ngại trước làn sóng các xí nghiệp chuyển sang hoạt động ở các nước châu Á láng giềng với Trung Quốc.
Theo ông, phần lớn các xí nghiệp ra đi đó lại thuộc sở hữu của các công ty tư nhân Trung Quốc và nguyên nhân chuyển đi là để tránh hàng rào thuế quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
"Đối với Trung Quốc, vấn đề thực sự nằm ở chỗ xây dựng các cụm công nghiệp, không phải trong các lĩnh vực giá trị gia tăng thấp mà phải tập trung vào các ngành giá trị gia tăng cao" - ông Huang nhấn mạnh.
Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook (giữa), tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2023 ở Bắc Kinh hôm 25-3 Ảnh: REUTERS
Theo báo South China Morning Post, cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ cộng với gần 3 năm đóng cửa biên giới để chống dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại thực trạng phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.
Nhiều công ty trong số đó đã chuyển đến Ấn Độ hoặc Đông Nam Á, như các ngành giày dép, may mặc, đồ chơi... Ngay cả những đại gia công nghệ như Apple, Samsung, Dell… cũng di dời nhiều mảng hoạt động đến các xí nghiệp ở Đông Nam Á.
Ông Huang cho rằng Trung Quốc nên dồn sức vào các ngành sản xuất công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, y tế và chuyển đổi xanh để có thể thăng hạng trong chuỗi công nghiệp và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.
Một phần nguyên nhân xu hướng này còn do cuộc cạnh tranh công nghệ quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Mỹ tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận các linh kiện tinh vi, chẳng hạn chất bán dẫn tiên tiến.
Trong khi đó, ông Yi Xiaozhun, cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc và là cựu phó tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại thế giới, cảnh báo rằng không có nước nào đủ sức tạo ra một chuỗi cung ứng độc lập hoàn toàn, kể cả các siêu cường như Mỹ , Trung Quốc và việc tách rời nhau ra cũng không bảo đảm được chuỗi cung ứng cạnh tranh cho bất kỳ quốc gia nào.
"Thế giới cần bảo vệ một chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định, hiệu quả cao, phụ thuộc lẫn nhau" - ông Yi nói.
Bình luận (0)