Lệnh trừng phạt lần này của LHQ nhắm vào nguồn xuất khẩu than của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh. Trung Quốc được cho là quốc gia duy nhất mua than của Triều Tiên. Theo đó, lượng than xuất khẩu sẽ giảm khoảng 60%.
Trung Quốc đã đồng ý các lệnh trừng phạt sau nhiều tháng thương lượng với Mỹ sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và cũng là lần lớn nhất của Triều Tiên hồi tháng 9 qua. Ngoài than, Triều Tiên còn bị cấm xuất khẩu đồng, niken, bạc và kẽm. Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt.
Là đồng minh chính của Triều Tiên, Trung Quốc trước đây thường xuyên bảo vệ Bình Nhưỡng, lo ngại rằng các lệnh cấm vận có thể khiến chính phủ láng giềng sụp đổ, đẩy làn sóng người nhập cư về phía biên giới Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước những hành động của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh dường như không thể tiếp tục kiên nhẫn. Triều Tiên đã bị LHQ trừng phạt kể từ năm 2006 vì chương trình hạt nhân và tên lửa.
Giới ngoại giao Mỹ khẳng định các nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn còn cơ hội lựa chọn hướng đi khác. Ảnh: Reuters
Than là mặt hàng xuất khẩu mang lại lợi nhuận lớn nhất của Triều Tiên. Các nhà ngoại giao nhận định lệnh trừng phạt mới sẽ khiến Bình Nhưỡng mất 700 triệu USD so với năm 2015. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định lệnh trừng phạt “gửi một thông điệp minh bạch rằng Triều Tiên phải ngưng các hành động khiêu khích và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc tế”.
Bà Samantha Power, Đại sứ Mỹ tại LHQ, thừa nhận rằng “không có nghị quyết nào của LHQ có thể dễ dàng thuyết phục Bình Nhưỡng ngưng theo đuổi vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, bà khẳng định Triều Tiên đang phải trả giá đắt vì thách thức cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt mới còn áp dụng với hơn 11 cá nhân và 10 tổ chức được cho là liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo đó, tất cả sẽ bị cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản.
Bình luận (0)