Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang gặp nhiều trở ngại trong chiến dịch “săn cáo” nhằm truy lùng những lãnh đạo tham ô trốn ra nước ngoài.
Năm 2003, khi nhận thấy các nhà điều tra tham nhũng bắt đầu để mắt đến, phó giám đốc sở xây dựng ở tỉnh Chiết Giang Dương Tú Châu bay gấp sang Singapore. Vài ngày sau, bà Dương thay tên đổi họ và bay tiếp đến New York - Mỹ.
Tạp chí Nam phương song cho biết bằng cách riêng của mình, bà Dương đường hoàng leo lên vị trí béo bở tại Chiết Giang rồi “hô biến” để né tội nhận hối lộ 40 triệu USD tiền hoa hồng từ các công ty bất động sản.
Chính quyền Bắc Kinh buộc phải phát lệnh truy nã bà này qua Interpol. Cuối cùng, bà Dương bị bắt tại thủ đô Amsterdam - Hà Lan vào năm 2005. Thế nhưng, gần 10 năm trôi qua, quan chức trốn chạy này vẫn chưa bị dẫn độ về Trung Quốc dù 2 nước đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán.
Nhiều trường hợp khác cũng tương tự bà Dương. Những người này thường mang theo khối tài sản lớn nhờ kiếm lợi bất chính và truyền thông Trung Quốc gọi việc truy lùng họ là “săn cáo”.
Theo Reuters, dù Bắc Kinh đã có hiệp ước dẫn độ với khoảng 38 nước nhưng chưa đạt được thỏa thuận cùng Mỹ, Canada, Úc, biến 3 nước này thành điểm đến lý tưởng của các tội phạm kinh tế bị tình nghi. Thêm vào đó, đây là những quốc gia có mức sống cao, chất lượng giáo dục hàng đầu và cộng đồng người Hoa đông đúc.
Đầu tháng 8-2014, Bắc Kinh thông báo có hơn 150 “kẻ đào tẩu dính án kinh tế”, trong đó gồm quan chức tham nhũng, đang trốn ở Mỹ. Interpol đã ra lệnh bắt 69 người Trung Quốc có hành vi tham ô, gian lận, hối lộ.
Từ lâu, nhiều nước phương Tây tỏ thái độ miễn cưỡng khi trao trả nghi phạm Trung Quốc. Lâm Tân, nhà nghiên cứu luật quốc tế của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, giải thích: “Có những khác biệt trong hệ thống chính trị cũng như ý thức hệ và những khác biệt này ảnh hưởng đến việc dẫn độ”.
Tân Hoa Xã đưa tin hồi tháng 7, có 18 người Trung Quốc tự thú hoặc bị bắt từ các nước như Campuchia, Indonesia và Uganda. Tuy nhiên, Liệu Nhiên - điều phối viên cao cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức Minh bạch Quốc tế chuyên giám sát tham nhũng - cho biết có rất ít người trở về từ phương Tây.
Vào tháng 7-2013, chính phủ Trung Quốc và Canada kết thúc bàn thảo các vấn đề về phân chia tài sản phi pháp bị tịch thu và bàn giao tài sản nhưng chưa đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, văn phòng chưởng lý Úc cho rằng việc hợp tác dẫn độ hay điều tra tội phạm tham nhũng Trung Quốc ở nước này là một quá trình lâu dài.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn phải đối mặt với nạn “quan chức trần trụi” - những người gửi phần lớn tài sản và vợ con ra nước ngoài. Theo số liệu từ Tổ chức Tài chính Toàn cầu có trụ sở tại Washington - Mỹ, số tiền bị tẩu tán ra nước ngoài của Trung Quốc vào khoảng 2.830 tỉ USD trong 6 năm (từ năm 2005 đến 2011).
Bình luận (0)