Đó là nhận định của không ít nhà phân tích Trung Quốc. Các nhà phân tích chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đã không ngần ngại có hành động chống lại doanh nhân này bất kể khả năng ảnh hưởng đến niềm tin của khu vực tư nhân.
Tuần trước, trong một thông báo đăng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc), Tập đoàn China Evergrande (Hằng Đại) cho biết ông Hứa đang bị cảnh sát áp dụng "biện pháp bắt buộc" vì nghi vấn phạm tội.
Evergrande không nói rõ ông Hứa đang ở đâu và biện pháp cụ thể mà ông đang bị áp dụng là gì. Trong hệ thống luật pháp của Trung Quốc, "biện pháp bắt buộc" có thể bao gồm tạm giữ hoặc chính thức bắt giữ.
Một số giám đốc điều hành hàng đầu của công ty cũng bị bắt giữ.
Tỉ phú Hứa Gia Ấn tại Hồng Kông năm 2019. Ảnh: Bloomberg
Công ty Evergrande đang phải vật lộn với nợ nần và việc ông Hứa bị giam giữ dấy lên nghi ngờ về kế hoạch tái cơ cấu, đặt ra câu hỏi liệu công ty có vượt qua được cuộc khủng hoảng hay không.
Evergrande từng là tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc nhưng hiện là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.
Mặc dù giới chuyên gia tin rằng đơn xin bảo hộ phá sản chỉ mang tính thủ tục và báo hiệu các cuộc đàm phán tái cơ cấu sắp kết thúc nhưng nhiều người ở Trung Quốc đại lục vẫn cáo buộc ông Hứa đang cố giấu tài sản ở nước ngoài và tránh trả tiền cho các chủ nợ trong nước.
Một trong những người lớn tiếng chỉ trích là Vương Hồng Sinh, người sáng lập nhà sản xuất truyền hình Skyworth. Ông Vương đã đăng một video lên nền tảng mạng xã hội WeChat hôm 2-10 cáo buộc ông Hứa trốn tránh trách nhiệm.
Người phát ngôn của Evergrande cho biết công ty không có bình luận gì về video của ông Vương.
Tập đoàn China Evergrande. Ảnh: REUTERS
Theo ông Đặng Duật Văn, cựu Phó Tổng Biên tập của Thời báo Nghiên cứu - tờ báo chính thức của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hứa đã tính toán sai lầm rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ để đế chế bất động sản khổng lồ của ông vỡ nợ hoặc nhắm vào giới siêu giàu.
Ông Đặng nói: "Ông Hứa hoàn toàn đánh giá thấp quyết tâm chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc xoa dịu bong bóng bất động sản trong nước. Bắc Kinh chắc chắn muốn củng cố niềm tin của khu vực tư nhân hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, nhưng họ sẽ không bị lệ thuộc vào vốn tư nhân".
Theo ông Đặng, Bắc Kinh "lo ngại về dòng vốn chảy ra nước ngoài bất hợp pháp tiềm tàng, vì điều này sẽ làm suy yếu khả năng ổn định tài chính của Trung Quốc".
Bình luận (0)