Theo hãng tin FactWire (Hồng Kông) hôm 26-11, con tàu chở 9 xe bọc thép và các thiết bị quân sự trên khởi hành từ Đài Loan và cập cảng ở TP Hạ Môn - Trung Quốc khi đang trên đường đến Hồng Kông.
Nguồn tin hải quan cho biết trước khi tàu đến Hồng Kông, lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã thông báo cho hải quan đặc khu hành chính này rằng con tàu chở các thiết bị quân sự không khai báo và không có thông báo nào về số hàng.
Khi con tàu đến Hồng Kông, các nhân viên hải quan tại đó đã kiểm tra và thu giữ lô hàng quân sự.
Cục Hải quan Hạ Môn hiện vẫn chưa nói gì về nguyên nhân họ không thu giữ lô hàng mà thay vào đó lại thông báo cho giới chức Hồng Kông.
Một quan chức thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết nước này có quyền thu giữ thiết bị quân sự trên các tàu nước ngoài cập cảng ở đại lục nếu số hàng không được khai báo trước.
Số xe bọc thép đang được tạm giữ tại Hồng Kông. Ảnh: SCMP, Asiaone
Singapore đã cử đại diện đến Hồng Kông giải quyết vụ việc. Ảnh: Asiaone
Ông Lee Chih-hong, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển và Chiến lược Longus (Singapore), cho biết Trung Quốc có lẽ đã cho phép vụ thu giữ diễn ra ở Hồng Kông để vừa làm bẽ mặt Singapore vừa không để vụ việc ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương.
“Không có nghi ngờ gì về việc chính phủ Trung Quốc muốn gây rắc rối cho Singapore nhưng Bắc Kinh không muốn ảnh hưởng mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Singapore hiện nay. Vì vậy, họ để cho Hải quan Hồng Kông xử lý vụ việc. Trung Quốc chỉ muốn gây áp lực lên Singapore về vấn đề biển Đông” - ông Lee nói.
Xe bọc thép Singapore bị thu giữ khi đang được trên đường từ Đài Loan trở về nước. Ảnh: Asiaone
Bộ Quốc phòng Singapore cho biết đã cử một nhóm binh sĩ đến Hồng Kông hôm 25-11 nhằm đảm bảo an toàn của các thiết bị quân sự đang được giữ tại một kho bãi được bảo vệ an ninh chặt chẽ.
Các nguồn tin cho biết Singapore cần phải liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để giải thoát số xe bọc thép và quyết định trả lô hàng không còn thuộc về nhà chức trách Hồng Kông.
Hiện chưa rõ lý do con tàu của Công ty vận tải biển APL (thuộc sở hữu Nhật Bản) nói trên lại dừng ở Hồng Kông.
Bình luận (0)