Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), giai đoạn 2011-2015, giá trị nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 25% so với giai đoạn 2007-2011, tín hiệu cho thấy nước này đang sử dụng ngày càng nhiều các loại vũ khí "cây nhà lá vườn".
Cũng trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 88% giúp nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới.
Dù vậy, Bắc Kinh hiện chỉ mới chiếm 5,9% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu, thua xa Mỹ và Nga.
Cũng trong giai đoạn nói trên, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Nga lần lượt tăng 27% và 28%. Trái lại, Pháp và Đức – hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư và thứ năm trên thế giới - có doanh số vũ khí sụt giảm.
Chuyên gia cấp cao Siemon Wezeman của bộ phận nghiên cứu chi tiêu quân sự và khí tài trực thuộc SIPRI, cho biết cách đây khoảng 10 năm, Trung Quốc chỉ có thể cung cấp các thiết bị công nghệ thấp nhưng tình hình giờ đang thay đổi. Một số thị trường lớn bắt đầu quan tâm hơn đến vũ khí tiên tiến do Trung Quốc sản xuất
Để có được kết quả như ngày hôm nay, Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD vào ngành công nghiệp vũ khí nội địa để phục vụ tham vọng bành trướng lãnh thổ ở biển Đông và Ấn Độ Dương. Trung Quốc cũng nhắm tới các thị trường tiềm năng ở nước ngoài bằng cách bán vũ khí công nghệ cao có giá rẻ hơn Mỹ, Nga và một số cường quốc khác.
Tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 ước tính khoảng 886,9 tỉ nhân dân tệ (141,45 tỉ USD), tăng 10% so với hồi năm trước đó.
Hầu hết đối tác mua vũ khí của Trung Quốc đến từ khu vực châu Á và châu Đại Dương, như Pakistan (35%), Bangladesh (20%), Myanmar (16%)…
Dù xuất khẩu vũ khí tăng nhưng Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu một số thiết bị chủ chốt như máy bay vận tải lớn, trực thăng, động cơ cho máy bay, phương tiện cơ giới và tàu biển. Trong đó, theo SIPRI, động cơ chiếm tới 30% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2011.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's hồi tháng 12-2015 dẫn báo cáo cho biết chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng từ 435 tỉ USD năm 2015 lên 533 tỉ USD năm 2020, chiếm 1/3 chi tiêu quân sự toàn cầu trong vòng 5 năm tới.
Chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á, Zachary Abuza, cho rằng tất cả các nước trong khu vực đang mua vũ khí để phản ứng lại hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông, biển Hoa Đông cũng như việc nước này ồ ạt tăng chi tiêu quân sự.
Có những dấu hiệu mạnh mẽ rằng căng thẳng ở biển Đông có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. Trang tin DW (Đức) dẫn thống kê cho thấy trong 10 quốc gia có chi tiêu quốc phòng tăng mạnh nhất năm 2015, có một số nước đang tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, như Philippines, Malaysia, Trung Quốc...
Báo The Wall Street Journal cũng dẫn báo cáo trên cho thấy trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm năm qua, có tới 6 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với Ấn Độ là nước dẫn đầu và Trung Quốc đứng thứ ba.
Bình luận (0)