xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc đe dọa an ninh hàng hải

Thu Hằng

Mỹ quan tâm đến việc giữ vững các nguyên tắc cơ bản về tự do hàng hải ở biển Đông cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại TP New York - Mỹ ngày 28-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh hàng hải.

Nhiều nước lo ngại

“Biển Đông thực sự là một điểm nóng của khu vực và thế giới hiện nay. Từ năm ngoái, Trung Quốc đã ráo riết bồi lấp trên quy mô lớn các đảo chìm để biến chúng thành đảo lớn” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết. Chủ tịch nước nêu rõ những hành động này của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982, đi ngược lại Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã ký với ASEAN năm 2002.

Theo Chủ tịch nước, sự lo ngại của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác là “rõ ràng và dễ hiểu, bởi các hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng hải và an ninh trên biển Đông”. Đồng thời, Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường hòa bình để thực hiện những mục tiêu mới cho sự phát triển bền vững mà LHQ vừa thống nhất.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại TP New York - Mỹ ngày 28-9. Ảnh: AP
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại TP New York - Mỹ ngày 28-9. Ảnh: AP

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi tăng cường quan hệ Việt - Mỹ. “Thời điểm Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ là tín hiệu gửi tới cả thế giới, cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đã bình thường hóa hoàn toàn sau 40 năm kết thúc chiến tranh” - Chủ tịch nước nhìn nhận.

Ngoài ra, Chủ tịch nước bày tỏ sẵn sàng tiếp tục thảo luận với Mỹ về vấn đề nhân quyền vốn đã được đưa vào Hiến pháp của Việt Nam và việc triển khai các đạo luật liên quan sẽ được diễn ra trong vài năm tới. Theo Chủ tịch nước, một chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ củng cố quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước.

Thông điệp mạnh của Mỹ

Trong khi đó, Tổng thống Obama đã gửi thông điệp mạnh tới Trung Quốc về vấn đề biển Đông trong bài phát biểu trước các lãnh đạo thế giới tại phiên họp thứ 70 của Đại hội đồng LHQ ngày 28-9.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định Washington quan tâm đến việc giữ vững các nguyên tắc cơ bản về tự do hàng hải ở biển Đông cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng vũ lực. Chính vì vậy, Mỹ sẽ bảo vệ các nguyên tắc này, đồng thời khuyến khích Trung Quốc cùng các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Chính quyền Tổng thống Obama trước đó không ngừng chỉ trích việc Trung Quốc bồi lấp và xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cùng ngày, phát biểu tại Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee nhắc nhở Trung Quốc cần hành xử như “nước lớn” ở biển Đông. Theo ông Brownlee, các nước lớn chỉ có thể làm cho vị thế của mình được công nhận khi biết chia sẻ và giúp giảm thiểu căng thẳng với nước nhỏ. Bộ trưởng Brownlee cũng khẳng định New Zealand phản đối bất kỳ hành động nào “phá hoại hòa bình và làm xói mòn lòng tin” - ý nói đến những hành động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh ở biển Đông.

Để đối phó sự bành trướng ngày càng đáng lo ngại của Trung Quốc ở biển Đông, Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ đang có kế hoạch tái bố trí 15% lực lượng (tương đương 30.000 quân) tại bang Hawaii và xa hơn nữa. Báo JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) dẫn lời các chuyên gia cho rằng mục đích của việc điều chuyển này là nhằm rút ngắn thời gian phản ứng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và là một phần chủ chốt trong chiến lược “tái cân bằng” tại châu Á của Tổng thống Obama. Tờ Marine Corps Times của Thủy quân Lục chiến Mỹ nêu rõ các hoạt động cải tạo đất và xây dựng trái phép để phục vụ mục đích quân sự của Bắc Kinh ở biển Đông là lý do chính khiến Washington điều chuyển binh lực.

Báo Munhwa Ilbo (Hàn Quốc) cũng tiết lộ “4 vũ khí chiến lược chính” của Mỹ - gồm: tàu sân bay năng lượng hạt nhân, máy bay ném bom tàng hình B-2, chiến đấu cơ tàng hình F-22 và tàu ngầm hạt nhân - sẽ được triển khai tại Hàn Quốc hoặc đồn trú ở một căn cứ Hải quân Mỹ tại Guam vào tháng 10 tới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo