Các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 14-2 (được đài Fox News của Mỹ công bố ngày 17-2) cho thấy các hệ thống tên lửa Trung Quốc hiện diện trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.
Mới đây, công ty tình báo Stratfor (Mỹ) cung cấp hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17-2 với độ phân giải cao hơn, trong đó “soi” kỹ hơn các hoạt động trên khắp đảo Phú Lâm. Các chuyên gia tại AllSource Analysis xác nhận tên lửa Trung Quốc trên đảo Phú Lâm đúng là loại đất đối không HQ-9 kèm theo radar và các loại xe hỗ trợ. Ảnh cũng chụp được binh lính Trung Quốc di chuyển gần các tên lửa.
Theo Stratfor, tuy năng lực phòng không của HQ-9 đáng kể song sự hiện diện của chúng trên đảo chưa chắc là “leo thang nghiêm trọng”. Chúng được đặt gần nhau trên bãi biển sát mép nước, giống như đang tham gia diễn tập hoặc chỉ nhằm phô trương sức mạnh. Nhiều khả năng Trung Quốc muốn chuyển đi một thông điệp chính trị giữa lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Mỹ.
Dù vậy, hình ảnh vệ tinh chỉ ra sự gia tăng xây dựng trên đảo Phú Lâm.
Ngoài các khẩu đội tên lửa, Trung Quốc còn xây đường băng trên đảo Phú Lâm với khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu. Dọc đường băng này có 16 nhà chứa máy bay dường như được thiết kế cho chiến đấu cơ J-11. Tháng 11-2015, có tin Trung Quốc phái J-11 ra đảo nhưng hình ảnh vệ tinh không ghi nhận sự có mặt của chúng ở ngoài trời hiện nay.
Cuối cùng, trên đảo có nhiều tòa nhà có vẻ dùng làm kho chứa thuốc nổ hoặc đạn dược. Nhiều hệ thống bảo vệ phức tạp được dựng lên dọc theo các tòa nhà này để bảo vệ chúng khỏi bị tấn công bằng thuốc nổ từ bên ngoài hoặc kiềm chế các vụ nổ ở bên trong. Các tòa nhà cũng có thể sử dụng cho mục đích hậu cần hoặc bảo trì chiến đấu cơ, tên lửa phòng không… Hình ảnh vệ tinh cũng vạch trần hoạt động xây dựng vẫn tiếp diễn với nhiều giao thông hào được tạo ra.
Các tòa nhà có thể là kho vũ khí. Ảnh: Stratfor
Trung Quốc tiếp tục to mồm
Trung Quốc vừa “tố” ngược Mỹ quân sự hóa biển Đông bằng các cuộc tuần tra trên không và trên biển.
Hôm 17-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh “có bằng chứng cho thấy sự gia tăng quân sự hóa ở biển Đông”. Tới ngày 19-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phản pháo khi cho rằng chính chiến dịch tuần tra của Mỹ “làm leo thang căng thẳng”.
Lập luận của Trung Quốc vấp phải phản ứng của nhiều nước. Ngày 19-2, Việt Nam đã trao công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc nhằm phản đối việc Bắc Kinh điều tên lửa ra đảo Phú Lâm: “Đây là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa”.
Cùng ngày, Philippines bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng” và chỉ trích hành động của Trung Quốc sẽ thổi bùng sự căng thẳng vốn đã cao độ trong khu vực.
Bình luận (0)