Căn cứ nói trên được đặt tại tỉnh tự trị Gorno-Badakhshan phía Đông Tajikistan trên vùng núi Pamir, giáp với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc cũng như tỉnh Badakhshan ở Đông Bắc Afghanistan. Người phát ngôn quốc hội Tajikistan cho biết sẽ không có quân đội Trung Quốc hiện diện tại cơ sở này.
Kế hoạch xây dựng căn cứ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa chính phủ Tajikistan và chính quyền mới của Taliban ở Afghanistan và các quan chức Tajikistan cảnh báo về các mối đe dọa ngày càng tăng xuất phát từ Afghanistan.
Diễn biến mới cũng đánh dấu việc Trung Quốc tăng cường hiện diện an ninh ở Trung Á.
Tổng thống Emomali Rahmon gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Dushanbe - Tajikistan hôm 16-9. Ảnh:Tân Hoa Xã
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Emomali Rakhmon đã từ chối công nhận chính phủ Taliban, kêu gọi Taliban thành lập chính phủ toàn diện gồm các nhóm dân tộc của Afghanistan, trong đó có người Tajik là nhóm sắc tộc lớn thứ hai ở Afghanistan.
Về phần mình, Taliban cảnh báo Dushanbe không nên can thiệp vào công việc đối nội của họ. Theo truyền thông Nga, Taliban đã liên minh với một nhóm chiến binh dân tộc người Tajik đóng ở miền Bắc Afghanistan và có ý đồ lật đổ chính phủ của ông Rakhmon.
Hồi tuần trước, một tổ chức an ninh khu vực do Nga dẫn đầu đã tổ chức các cuộc tập trận gần biên giới Tajikistan - Afghanistan, nhằm chứng tỏ rằng Moscow sẵn sàng bảo vệ Dushanbe trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Nam.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn ở Tajikistan và Bắc Kinh cũng đã tài trợ nhiều lần cho chính phủ nước này, chẳng hạn bàn giao tòa nhà quốc hội mới miễn phí.
Ông Raffaello Pantucci, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, nhận định quyết định xây dựng căn cứ ở Tajikistan là một trong số ít những ví dụ ít được biết đến về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện trên khắp thế giới.
Theo chuyên gia này, động thái mới của Trung Quốc ở Tajikistan cho thấy mức độ quan tâm của chính quyền Bắc Kinh đối với Afghanistan và khu vực.
Bình luận (0)