Trong một bài xã luận nảy lửa đăng hồi đầu tháng 7, tờ báo hiếu chiến Thời báo Hoàn Cầu hối thúc chính quyền Bắc Kinh xem xét việc thách thức quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo Okinawa vốn là nơi sinh sống của 1,4 triệu dân Nhật và là nơi đồn trú của 10.000 lính Mỹ. “Trung Quốc không nên sợ đối đầu với Nhật Bản trong vấn đề toàn vẹn lãnh thổ” - tờ báo viết.
Quần đảo Okinawa ở phía nam Nhật Bản. Nguồn: Japan Security Watch
Thiếu tướng Kim Nhất Nam, đứng đầu viện nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, còn đi xa hơn. Ông này phát biểu trên đài phát thanh quốc gia Trung Quốc rằng chỉ tuyên bố chủ quyền ở Điếu Ngư thì “nhỏ hẹp quá”, do đó Bắc Kinh nên đặt vấn đề sở hữu toàn bộ quần đảo Ryukyu – tức là vươn tới tận Okinawa.
Căn cứ để Trung Quốc đòi chủ quyền Okinawa bắt nguồn từ gốc gác của quần đảo này, vốn là vương quốc Ryukyu hồi thế kỷ 15. Ryukyu từng triều cống cho các hoàng đế Trung Quốc, ngay cả sau khi bị một chính quyền phong kiến Nhật Bản chiếm đóng vào năm 1609. Okinawa chính thức trở thành một phần của lãnh thổ Nhật Bản vào năm 1879.
Tờ Financial Times nhận định với một số người ở Trung Quốc, chỉ cần chừng ấy chứng cứ lịch sử là đủ để cáo buộc Nhật Bản chiếm Okinawa một cách phi pháp. Đơn cử là ông Đường Thuần Phong, cựu quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo, đang ra sức vận động Bắc Kinh suy nghĩ lại. “Sự thận trọng trong quá khứ gây ra rất nhiều tác hại. Khi tôi còn ở Nhật, tôi thậm chí không biết Ryukyu từng thuộc về Trung Quốc” - ông Đường nói.
Trong khi đó, một số nhân vật “diều hâu” của Trung Quốc không hô hào “giành lại Okinawa”, đổi lại, họ xem Okinawa là “chốt thí” với lời đe dọa đó là cái giá phải trả nếu Tokyo tiếp tục phủ nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại Điếu Ngư/Senkaku.
Biểu tình đòi chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku
trước Lãnh sự quán Nhật Bản tại Hồng Kông ngày 9-7-2012. Ảnh: AP
Luận điệu của Trung Quốc vấp phải phản ứng của nhiều chuyên gia quốc tế. “Một khi bạn dùng mối quan hệ chính quốc - chư hầu trong quá khứ để tranh giành chủ quyền của thế kỷ 20, tức là bạn đang làm nhiều người lo lắng” - ông June Teufel Dreyer, một chuyên gia về Trung Quốc và Nhật Bản của Đại học Miami (Mỹ), nhắc nhở.
Còn giáo sư Chu Vĩnh Thăng của Đại học Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo: “Dùng Ryukyu để giải quyết tranh chấp Điếu Ngư sẽ phá vỡ quan hệ Trung - Nhật. Nếu chính quyền Bắc Kinh thực sự xem xét đến vấn đề Okinawa, chắc chắn đó sẽ là tiền đề của chiến tranh”.
Bình luận (0)