Trung Quốc đang đòi Hàn Quốc nhường lại một phần lớn vùng đặc quyền kinh tế trên biển Hoàng Hải, trong đó có đảo Ieodo, nơi đặt một cơ sở nghiên cứu hàng hải của Seoul.
Khó phân định ranh giới
Yêu sách này được đưa ra giữa lúc giới chức 2 nước tiến hành cuộc họp đầu tiên về vấn đề chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong 7 năm qua.
Phát biểu sau cuộc họp hôm 22-12, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yul nói với các phóng viên rằng các cuộc đàm phán tương tự sẽ được tổ chức tiếp nhưng đây là quá trình tốn nhiều công sức và thời gian.
Từ năm 1996-2008, Hàn Quốc - Trung Quốc đã tổ chức nhiều vòng đàm phán về phân định ranh giới trên biển nhưng không đạt được thỏa thuận nào.
Nhiều năm gần đây, Trung Quốc và Hàn Quốc xây dựng được mối quan hệ kinh tế, ngoại giao gần gũi hơn song bất kỳ tranh cãi nào về EEZ cũng có thể khiến tình hình xấu đi.
Trong các cuộc thảo luận song phương, Hàn Quốc nhấn mạnh giới tuyến nên là đường trung tuyến giữa bờ biển hai nước (trên biển Hoàng Hải). Tuy nhiên, phía Trung Quốc muốn chuyển giới tuyến về phía Đông, gần bờ biển Hàn Quốc hơn. Lý do được Bắc Kinh đưa ra là nước này rộng lớn và đông dân hơn, đồng thời có đường bờ biển dài hơn so với Seoul.
Theo đề xuất đang khiến Seoul lo ngại này, đảo Ieodo sẽ thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh bất chấp nó nằm cách bờ biển Hàn Quốc 149 km và cách Trung Quốc đến 287 km. Càng đáng ngại hơn khi Nhật Bản cũng đòi chủ quyền đối với Iedo.
Nhật tăng ngân sách quốc phòng
Báo Anh The Telegraph dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng biên giới trên biển để phục vụ mưu đồ bành trướng ở Tây Thái Bình Dương.
Ngoài việc kiểm soát phi pháp một số rạn san hô và bãi cát ngầm ở biển Đông, Trung Quốc còn gia tăng tần suất điều động máy bay, tàu thuyền vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý.
Ngày 22-12, một tàu hải cảnh Trung Quốc chở theo 4 khẩu pháo xâm nhập khu vực trên. Theo người phát ngôn lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG), đây là lần đầu tiên JCG phát hiện một tàu hải cảnh Trung Quốc mang theo loại vũ khí này.
Trước các động thái trên biển của Trung Quốc, nội các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng cao kỷ lục 41 tỉ USD cho tài khóa 2016 trong ngày 24-12. Đây là năm thứ 4 liên tiếp ngân sách quốc phòng của Nhật gia tăng kể từ khi ông Abe lên nắm quyền năm 2012.
Theo báo Asahi, sự gia tăng chi tiêu quân sự cho tài khóa sắp tới (bắt đầu vào tháng 4-2016) chủ yếu đến từ kế hoạch mua sắm trang thiết bị quân sự nhằm đối phó các hoạt động hàng hải của Trung Quốc liên quan đến vấn đề chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo đang có kế hoạch mua máy bay trinh sát không người lái tầm xa Global Hawk và 4 máy bay vận tải Osprey.
Ngoài ra, Nhật dự định mua máy bay tiếp liệu trên không KC46A để phục vụ tiếp liệu máy bay quân sự Mỹ. Ngân sách quốc phòng nói trên còn bao gồm kinh phí cho việc tái bố trí căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa. Từ vị trí chiến lược này, lực lượng Mỹ có được sự tiếp cận rộng khắp ở Đông Á. Theo kế hoạch, kinh phí cho việc tái bố trí lực lượng Mỹ sẽ tăng hơn 247 triệu USD so với tài khóa 2015.
Bình luận (0)