Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay từ 4,8% xuống còn 4,3% - thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của năm 2021.
Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý I/2022 có thể đạt 4,9% nhưng "nếu Omicron tiếp tục lây lan khiến danh sách thành phố bị phong tỏa gia tăng", mức này sẽ giảm còn 4,2%.
Bên cạnh lĩnh vực dịch vụ vốn đang bấp bênh vì các biện pháp phong tỏa, biến thể Omicron cũng có thể làm gián đoạn hơn nữa chuỗi cung ứng. Một đợt bùng phát dịch do biến thể Delta đã buộc trung tâm công nghiệp Tây An đóng cửa vào đầu năm nay, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của các tập đoàn lớn như Samsung (Hàn Quốc) và Micron (Mỹ).
Tình trạng tắc nghẽn tàu thuyền tại các cảng Trung Quốc cũng đã trở nên tồi tệ hơn trong thời gian gần đây, khi ngày càng nhiều thành phố cảng tái ban bố lệnh hạn chế nghiêm ngặt để kiềm chế tốc độ lây lan của đại dịch.
Người dân Bắc Kinh xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 hôm 16-1, một ngày sau khi thành phố này xác nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng Ảnh: REUTERS
Giới chuyên gia phần lớn khẳng định với đài CNN rằng Trung Quốc nhiều khả năng duy trì chính sách "không Covid-19" thêm một quãng thời gian nữa.
Ngoài nỗi lo liên quan đến sức khỏe, những sự kiện quan trọng sắp tới cũng là lý do để họ tiếp tục theo đuổi hướng tiếp cận này. Tháng tới, Thế vận hội Mùa đông 2022 sẽ bắt đầu ở thủ đô Bắc Kinh, nơi ghi nhận ca nhiễm Omicron trong cộng đồng đầu tiên hôm 15-1.
Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát do Reuters tiến hành, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý IV/2021 chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước - tốc độ thấp nhất kể từ quý II/2020. Công ty ANZ (Úc) nhận định số liệu này có thể buộc giới hoạch định chính sách triển khai các biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn nữa, như cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.
Bình luận (0)