Quyết định nói trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới thăm quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền khu vực. Trung Quốc trước đó cho rằng Bắc Kinh và Jakarta có “tuyên bố chủ quyền chồng lấn” xung quanh quần đảo này nhưng bị Indonesia bác bỏ.
Johnny Plate, thành viên của Ủy ban Ngân sách Quốc hội Indonesia, nói với Reuters rằng Jakarta cần phải bảo vệ Natuna bằng cách trang bị cơ sở vật chất thích hợp cho quân đội trú đóng tại đây cũng như bổ sung nguồn vốn.
Quốc hội Indonesia đã chấp thuận tăng ngân sách năm 2017 dành cho Bộ Quốc phòng từ 8,25 tỉ USD lên gần 10% so với ngân sách năm 2016. Một phần trong số này sẽ được dùng để nâng cấp căn cứ không quân, xây dựng một cảng mới ở quần đảo Natuna để cho phép nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu tiếp cận hơn.
Hải quân Indonesia cũng tăng cường tuần tra vùng biển xung quanh quần đảo sau một loạt căng thẳng giữa tàu hải quân nước này và tàu cá Trung Quốc bị tố đánh bắt trộm trong khu vực.
Trước đó, ngày 25-6, đài Metro TV của Indonesia cho biết một hạm đội tàu ngầm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đi qua eo biển Malacca. Đây là hạm đội 409, bao gồm tàu ngầm tấn công, tàu khu trục tên lửa dẫn đường và tàu cứu hộ.
Phát ngôn viên Hải quân Indonesia, đại tá Suji Tuo, xác nhận hạm đội nói trên có thể là một phần của đội tàu hộ tống trực thuộc hải quân PLA của Trung Quốc.
“Vào ngày 24-6, tàu chiến và máy bay tuần tra của Hải quân Indonesia đã nhìn thấy đội tàu Trung Quốc đi qua vùng biển Banda Aceh nhưng không có vấn đề gì xảy ra” – ông Suji Tuo nói.
Truyền thông Indonesia cho rằng động thái này có thể là một phản ứng của Trung Quốc sau khi hai nước chạm trán thường xuyên quanh quần đảo Natuna. Tuy nhiên, do hạm đội tàu ngầm không xâm phạm lãnh hải Indonesia nên Jakarta chỉ đứng ngoài quan sát.
Bình luận (0)