Bà Phó Oánh, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc, hôm 4-3 cho biết nước này dự kiến tăng ngân sách quốc phòng thêm 7% trong năm 2017. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 năm qua và là năm thứ hai Bắc Kinh có mức tăng 1 con số từ năm 2010.
Tiếp cận thận trọng
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2016 vào khoảng 138,4 tỉ USD. Với mức tăng 7%, con số này chỉ tương đương 1/4 ngân sách quốc phòng Mỹ - vừa được Nhà Trắng đề xuất tăng 10% lên 603 tỉ USD. Tăng trưởng kinh tế chậm lại được cho là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định trên. Năm 2016, Trung Quốc chỉ tăng ngân sách quân sự thêm 7,6%, kết thúc gần 20 năm đầu tư mạnh tay cho quốc phòng. Nhìn chung, theo bà Phó Oánh, chi tiêu quân sự vẫn chiếm khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017, tương tự vài năm trước. Con số cụ thể sẽ được công bố hôm 5-3 khi Quốc hội Trung Quốc bắt đầu kỳ họp thường niên tại thủ đô Bắc Kinh.
Việc Trung Quốc không ngừng tăng chi tiêu quân sự khiến các nước láng giềng lo ngại trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Takashi Kawakami, giáo sư môn chính trị quốc tế tại Trường ĐH Takushoku (Nhật Bản), nhận định với Reuters rằng mức tăng khiêm tốn nói trên cho thấy Trung Quốc đang có hướng tiếp cận thận trọng với chính quyền mới của Mỹ, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sắp gặp mặt.
Nhận định trên phần nào cho thấy sự khó đoán của ông Trump đang phủ bóng kỳ họp quốc hội và kỳ họp của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khai mạc hôm 3-3. Bà Phó Oánh cũng nói quan hệ Trung - Mỹ là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp quốc hội năm nay. Người phát ngôn này nói thêm Bắc Kinh và Washington nên tăng cường trao đổi vì người dân hoặc lãnh đạo mới của Mỹ không hiểu nhiều về Trung Quốc.
Phát biểu bên lề kỳ họp CPPCC, một số đại biểu nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng Bắc Kinh đã tạm hoãn đưa ra một số quyết định vì chưa rõ những chính sách hoặc hướng đi sắp tới của ông Trump. Cựu phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, ông Vương Hồng Quang, cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng tiềm tàng của ông Trump lên mối quan hệ với Trung Quốc. Ông này cho biết đang theo dõi xem liệu cuộc gặp mới đây giữa Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và tổng thống Mỹ ở Washington có dẫn đến sự thay đổi nào hay không.
Nỗi lo kinh tế
Ngoài quan hệ Trung - Mỹ, dư luận quan tâm nhiều đến việc chỉ định nhân sự tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào mùa thu tới, khi 5/7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và 1/3 trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị sẽ về hưu do bước sang tuổi 68.
Tình hình kinh tế đất nước cũng là mối bận tâm lớn không kém. Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 5-3 dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay trong mức 6,5%-7%. Con số này trong năm 2016 là 6,7% - thấp nhất trong 26 năm và là năm thứ 6 liên tục con số này sụt giảm. Ngoài nỗ lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, Bắc Kinh còn đối mặt không ít khó khăn trong việc duy trì sự ổn định và tìm giải pháp cho những vấn đề như mất cân bằng giữa nhu cầu yếu và dư thừa công suất, ngăn chặn nguy cơ bong bóng bất động sản, nợ công cũng như ô nhiễm môi trường.
Hồi đầu tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác định 4 vấn đề ưu tiên, trong đó có giảm công suất dư thừa, hạn chế rủi ro tài chính và hạ nhiệt thị trường bất động sản. Đáng chú ý, theo trang Đa chiều, tín dụng địa ốc ở Trung Quốc trong năm 2016 tăng gần 700 tỉ USD, chiếm tới 45% tổng số khoản vay ngân hàng. Nếu bong bóng bất động sản vỡ, kinh tế Trung Quốc sẽ gánh hậu quả nặng nề.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, vấn đề cải cách sẽ được các nhà chức trách Trung Quốc nói đến liên tục trong 10 ngày diễn ra kỳ họp Quốc hội. Xóa đói giảm nghèo cũng là chủ đề quan trọng. Ông Tập từng cam kết xóa bỏ nghèo đói trước năm 2020, đồng nghĩa với việc số lượng người nghèo ở Trung Quốc phải giảm ít nhất 10 triệu người mỗi năm.
“Siêu bộ” chống tham nhũng
Reuters hôm 4-3 dẫn các nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết nước này sắp “đại tu” bộ máy chống tham nhũng. Theo đó, Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) mới thành lập sẽ cộng gộp quyền lực của các cơ quan chống tham nhũng - bao gồm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI), đơn vị chống tham nhũng chủ lực hiện nay.
Nhiều khả năng ông Vương Kỳ Sơn, 69 tuổi, bí thư CCDI, sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu NSC. Nếu đúng vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giữ được đồng minh then chốt của mình ở lại Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (PSC) bất chấp “trần tuổi” bất thành văn duy trì gần 2 thập kỷ qua - các thành viên PSC phải dưới 67 tuổi. Ông Vương sẽ bước sang tuổi 69 trước khi đại hội đảng lần thứ 19 diễn ra vào mùa thu năm nay.
Hồi tháng 1 năm nay, CCDI công bố kế hoạch hợp nhất với Bộ Giám sát và Cục Chống tham nhũng của Viện Kiểm sát tối cao cùng nhiều cơ quan phòng chống tham nhũng khác để tạo ra một “siêu bộ”. Các chương trình thí điểm của mô hình này đã được triển khai tại thủ đô Bắc Kinh và 2 tỉnh Chiết Giang, Sơn Tây. Hiện tại, CCDI chỉ có thể điều tra đảng viên bị nghi ngờ tham nhũng, Bộ Giám sát được thẩm vấn công chức, còn Cục Chống tham nhũng của Viện Kiểm sát tối cao lại không được phép giam giữ các nghi phạm đang bị điều tra. Nếu “siêu bộ” mới hình thành, nó sẽ đủ thẩm quyền để giám sát, thẩm vấn và bắt giữ tất cả cán bộ công chức, đảng viên, quân nhân, thẩm phán, công tố viên, giám đốc doanh nghiệp nhà nước, nhân viên các trường đại học, bác sĩ, y tá tại bệnh viện nhà nước… bị nghi ngờ nhúng chàm.
Tổng cộng khoảng 1,2 triệu đảng viên, quan chức quân sự cấp cao đã bị trừng phạt kể từ khi chủ tịch Trung Quốc phát động chiến dịch chống tham nhũng vào cuối năm 2012, theo Reuters.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)