Tuy nhiên, vợ chồng cô vẫn chấp nhận chi khoản tiền này, qua đó cho thấy tính cạnh tranh trong nền giáo dục trẻ em ở Trung Quốc. "Con trai tôi bắt đầu học tiếng Anh từ năm 5 tuổi. Tôi sợ con mình sẽ bị bỏ lại phía sau nếu chúng tôi không cho con đi học thêm" - cô Hu nói với trang The Guardian (Anh).
Vợ chồng cô Hu thuộc số ngày càng nhiều phụ huynh chi tiền cho con đi học thêm. Một khảo sát hồi năm 2016 ước tính 65% gia đình có con trong tuổi đi học cho con học thêm và con số này đã tăng lên 92% năm nay. Dù vậy, chính phủ Trung Quốc hồi tháng rồi quyết định siết chặt hoạt động dạy thêm tư nhân, giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp ước tính có giá trị lên đến hơn 150 tỉ USD này.
Hôm 24-7, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành quy định mới, theo đó, tất cả công ty dạy thêm sẽ phải trở thành tổ chức phi lợi nhuận. Bắc Kinh không cấp giấy phép hoạt động mới và hạn chế đầu tư nước ngoài vào những công ty loại này. Các công ty không được dạy thêm những môn học ở trường nếu không được phép. Các lớp học thêm cũng không được phép diễn ra trong những ngày lễ, ngày cuối tuần, kỳ nghỉ đông hoặc hè.
Bé gái mang cặp sách đứng gần một cơ sở của công ty dạy thêm New Oriental Education & Technology Group tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Quy định mới nói trên nhằm giảm bớt gánh nặng, nỗi lo, sức ép mà các bậc phụ huynh và học sinh phải đối mặt trong lĩnh vực giáo dục cực kỳ cạnh tranh ở Trung Quốc.
Theo báo cáo được Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải công bố hồi tháng 3 qua, hơn 84% phụ huynh được khảo sát cho biết họ cảm thấy bị áp lực về học phí của con cái trong khi 55,2% phụ huynh thừa nhận tiền học thêm khiến họ "rất căng thẳng".
Tại Trung Quốc, chất lượng giáo dục có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các tỉnh và giữa các thành phố. Số lượng trường đại học là không nhiều nếu so với số lượng sinh viên. Các trường đại học danh tiếng thậm chí còn ít hơn, tập trung tại những thành phố lớn.
Bà Ye Liu, chuyên gia tại Trường ĐH Hoàng gia London (Anh), cho biết hoạt động dạy thêm và học thêm bùng nổ trong thập kỷ qua nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình ở thành thị muốn con mình vào trường đại học tốt hoặc đi du học. Vì thế, chuyên gia này nhận định chính sách siết chặt dạy thêm sẽ khó đạt hiệu quả nếu Trung Quốc không giải quyết được vấn đề phân bổ giáo dục không đồng đều khắp nước.
Tại TP Thượng Hải, cô Hu tỏ ý ủng hộ chính sách siết chặt dạy thêm và cho biết sẽ dành nhiều thời gian hơn để cùng con tham gia những hoạt động ngoài trời trong các kỳ nghỉ. Tuy nhiên, đã xuất hiện nỗi lo rằng nhiều bậc cha mẹ sẽ tăng cường chi tiêu cho gia sư riêng, đe dọa nới rộng hơn nữa khoảng cách giáo dục.
Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng sẽ có những phụ huynh sẵn sàng trả thêm tiền cho bất kỳ khóa học thêm nào họ tìm thấy, khiến học phí tăng cao hơn. Chưa hết, theo đài CNBC, chính sách mới có thể buộc không ít công ty giáo dục đóng cửa, đe dọa đến việc làm của nhiều người. Một báo cáo gần đây cho biết khoảng 10 triệu người đang làm việc trong ngành công nghiệp dịch vụ giáo dục ở Trung Quốc.
Bình luận (0)