Trong 2 ngày 6 và 7-11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực".
Tính toán của Bắc Kinh
Trao đổi bên lề hội thảo, Giáo sư Danh dự Học viện Quốc phòng Úc Carl Thayer nêu quan điểm: Trung Quốc đang cố tình thúc đẩy yêu sách "đường lưỡi bò" khi ngang nhiên tuyên bố đây là khu vực có các nguồn tài nguyên của Trung Quốc bị các nước khác cướp mất. Trung Quốc muốn trở thành cường quốc mới nổi tại khu vực châu Á và biển Đông chính là trung tâm trong tham vọng này. Việc độc chiếm được biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với Bắc Kinh không chỉ về địa chính trị mà còn về nguồn dầu khí dồi dào tại đây.
Cùng chung quan điểm này, ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ), cho rằng với việc ra yêu sách "đường 9 đoạn", Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á tham gia các dự án dầu khí ở biển Đông, ngoại trừ các dự án với Trung Quốc.
Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo Ảnh: scsc11
Đánh giá về vụ việc Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 vừa qua, ông Poling nói Bắc Kinh sẽ làm như vậy hết lần này đến lần khác để khiến các công ty bên ngoài nản lòng, để họ nghĩ rằng việc hợp tác khai thác tài nguyên trên biển Đông là quá nguy hiểm và quá tốn kém. Các nước sẽ chỉ có 2 lựa chọn: Một là, ngừng việc thăm dò, khai thác dầu khí; hai là, phải chấp nhận làm ăn với Trung Quốc.
Cũng theo ông Poling, Trung Quốc phớt lờ các cơ chế ngoại giao, quy tắc ứng xử hay cơ chế hợp tác. Mỗi ngày, trên biển Đông lại có thêm tàu Trung Quốc và họ hành xử ngày càng quyết liệt. Đó không phải hành động của một nước muốn thỏa hiệp mà là muốn bắt nạt, bắt các nước Đông Nam Á chấp nhận luật chơi của mình. Chuyên gia này cũng nói thêm rằng Trung Quốc gần đây thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vì tính toán của họ là nếu đạt được một COC theo ý họ, Bắc Kinh sẽ không bị bộ quy tắc này kiềm chế. Nếu tiến trình đàm phán COC đổ vỡ, Trung Quốc cũng hưởng lợi.
Cơ hội lên tiếng của Việt Nam
Ông John Rennie Short, một chuyên gia về toàn cầu hóa và địa chính trị đến từ Mỹ, cho rằng dư luận quốc tế hiện nay được nghe khá ít về quan điểm của Việt Nam, trong khi lại nghe thấy nhiều lập luận của Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam, Philippines và Indonesia đều đã trải qua những vụ việc nghiêm trọng và cần nêu những vụ việc đó một cách mạnh mẽ hơn tại các diễn đàn quốc tế.
Trong khi đó, GS Carl Thayer cho rằng Việt Nam cần nỗ lực trong việc tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Mỗi diễn giả, học giả sẽ là một sứ giả mang thông điệp về biển Đông đến với các quốc gia của họ. Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trở thành người dẫn đầu nhằm lên tiếng trước những động thái không phù hợp của Trung Quốc tại biển Đông.
Ngoài ra, để đối phó với những hành động gây hấn từ phía Trung Quốc tại biển Đông, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế James Kraska (Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng các nước trong khu vực cần thảo luận để dẹp bỏ những bất đồng, đi đến thống nhất về vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông; đồng thời cần mở rộng giao lưu, hợp tác về thương mại, ngoại giao và quân sự với các nước trên thế giới…để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong việc phản đối những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong thời gian qua.
Nhiều bài viết xuyên tạc
Đánh giá về những đề tài nghiên cứu, bài viết xuyên tạc bản chất của vấn đề biển Đông, ThS Hoàng Việt cho biết Trung Quốc có một chính sách hỗ trợ tài chính rõ ràng cho nghiên cứu sinh hoặc sinh viên cao học nghiên cứu về biển Đông. Nếu những nghiên cứu sinh hoặc sinh viên cao học này học ở những trường đại học danh tiếng của Mỹ, Anh, các nước phương Tây, họ sẽ có một giáo sư hướng dẫn và được đăng bài viết theo quan điểm của Trung Quốc trên tạp chí quốc tế chứ không phải là quan điểm khoa học khách quan.
Bình luận (0)