Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16-7 chính thức xác nhận đã rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Dù vậy, người phát ngôn của bộ này vẫn lớn tiếng nói không nên xem động thái trên là sự rút lui, đồng thời tiếp tục luận điệu sai trái rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc.
Muốn giảm căng thẳng?
Trước đó 1 ngày, Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết đã chấm dứt quá trình khoan thăm dò ở khu vực gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.
CNPC cho biết dấu hiệu của dầu và khí đã được tìm thấy sau 73 ngày giàn khoan này hạ đặt trái phép tại vùng biển của Việt Nam và họ đang tiến hành đánh giá các dữ liệu thu thập được để quyết định bước đi tiếp theo.
Giàn khoan và tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa Việt Nam hôm 15-7. Ảnh: Reuters
Bất chấp những tuyên bố mạnh miệng nói trên, giới chuyên gia quốc tế nhận định việc rút giàn khoan là động thái nhằm giữ thể diện trong bối cảnh cộng đồng quốc tế không ngừng chỉ trích những hành động khiêu khích và sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông.
Báo The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời các nhà phân tích nhận định sự hiện diện của giàn khoan cho thấy một Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong khi giới chức Mỹ xem đây là hành động đơn phương gây căng thẳng trong khu vực.
Vì thế, bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đánh giá việc rút giàn khoan sớm và đưa ra tuyên bố hoàn thành thăm dò chẳng qua là để Trung Quốc gỡ gạc thể diện sau 2 tháng đối đầu căng thẳng với Việt Nam. Bà nhận định trên báo The New York Times (Mỹ) rằng Trung Quốc có thể đang muốn xuống thang với Việt Nam.
Mỹ cần “cơ bắp hơn”
Chứng kiến sự bắt nạt của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở biển Đông, 2 chuyên gia Richard Fontaine - chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) - và Patrick M. Cronin - giám đốc cấp cao của Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương (thuộc CNAS) - cho rằng đã đến lúc Mỹ cần dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đây còn là cách để Mỹ phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả hơn trước những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông, như triển khai tàu quân sự, tàu hải giám và tàu cá để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 và cho tàu đâm vào tàu cá Việt Nam.
Viết trên báo The Wall Street Journal hôm 15-7, 2 tác giả này cho rằng Mỹ có thể bán cho Việt Nam những vũ khí như hệ thống cảnh báo hàng hải, tàu khu trục nhỏ và các tàu thuyền khác, vũ khí chống hạm…
Tại buổi điều trần gần đây trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện, ông Ted Osius - người được đề cử làm đại sứ Mỹ ở Việt Nam - cho thấy dấu hiệu sẵn sàng của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong việc xem xét dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Hiện dự thảo về vấn đề này đang được lưu hành ở quốc hội Mỹ. Nhà Trắng có thể tự dỡ bỏ lệnh cấm này nhưng được quốc hội ủng hộ sẽ mang lại sức thuyết phục cao hơn. Nếu được thông qua, đây cũng là bước đi nối tiếp quyết định của chính quyền Tổng thống George W. Bush hồi năm 2007, theo đó cho phép xuất khẩu các mặt hàng quốc phòng phi sát thương sang Việt Nam.
Theo bài viết, Trung Quốc sẽ còn đưa các giàn khoan dầu, tàu cá, lực lượng hải quân và không quân đến quấy nhiễu vùng biển Việt Nam. Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục khai thác tài nguyên, áp đặt luật lệ, yêu sách chủ quyền để tìm cách hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm biển Đông.
Vì thế, Mỹ cần cách tiếp cận ngoại giao “cơ bắp hơn” và một phần trong đó là phải hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam.
Bình luận (0)