Phát biểu với SCMP sau một cuộc họp báo ở Jakarta, bà Pudjiastuti nói: "Chúng tôi đã có nhiều bất đồng (với Trung Quốc) về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được kiểm soát và không thông báo. Họ vẫn không chịu nhận đó giống như là hoạt động tội phạm xuyên quốc gia".
"Một tàu với trọng tải 100 tấn có thể đánh bắt được 2.000 tấn cá/năm. Hàng triệu tấn, hàng tỉ USD. Đó là một doanh nghiệp lớn đa quốc gia. Họ gọi nó là đánh cá. Chúng tôi gọi nó là tội phạm. Chúng tôi không đồng ý (với Trung Quốc) về điều đó" – bà Pudjiastuti lên án. Nữ bộ trưởng Indonesia cũng kêu gọi sự hợp tác quốc tế, nếu không sẽ không thể giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Thủy sản và Hàng hải Indonesia Susi Pudjiastuti. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, bà Pudjiastuti cho biết ngư dân Trung Quốc còn đến tận quần đảo Galapagos ở phía Nam Thái Bình Dương – một trong những khu bảo tồn biển - để đánh bắt cá mập. Thêm vào đó, họ lợi dụng công nghệ hiện đại, thả lưới ở khoảng cách xa để đánh bắt cá bên trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của các nước.
Trong vòng 4 năm qua, Indonesia đã cấm 10.000 tàu đăng ký nước ngoài đánh bắt cá trong vùng biển của mình. Hàng trăm tàu bị tịch thu và bị đánh chìm, phần lớn đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Philippines. Một số tàu treo nhiều cờ hoặc đăng ký thông qua các công ty ở Indonesia và nơi khác để lách luật.
Trung Quốc bày tỏ quan ngại về việc Indonesia phá hủy các tàu cá nước này, sau đó tuyên bố sẽ "hành động chống lại tình trạng đánh bắt quá mức cũng như cắt giảm số lượng tàu cá". Tuần trước, một quan chức Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết chính quyền Bắc Kinh sẽ áp đặt hình phạt "không khoan nhượng" đối với tàu thuyền Trung Quốc vi phạm pháp luật, theo Thời báo Hoàn cầu.
Tuy nhiên, do người tiêu dùng trung lưu ở Trung Quốc ngày càng yêu cầu hải sản tươi sống với chất lượng cao hơn, Bắc Kinh dường như đang khuyến khích ngư dân đánh cá ở những vùng biển xa so với EEZ của nước này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một lần giám sát quần đảo Natuna trên biển Đông bằng tàu chiến Imam Bonjol. Ảnh: SCMP
Trong tháng 10, các bộ trưởng và nguyên thủ từ 35 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị Đại dương của chúng ta (tổ chức ở đảo Bali) cùng với 200 tổ chức phi chính phủ và tư nhân. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc không gửi bất kỳ đoàn đại biểu cấp cao nào đến tham dự. Nội dung hội nghị sẽ thảo luận về an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển và tình trạng đánh bắt cá quá mức.
Trong khi Bắc Kinh phủ nhận không làm gì sai trái, các tàu đánh cá của nước này thường được tàu tuần duyên và tàu hải quân hỗ trợ, SCMP cho biết. Hồi năm 2016, một tàu tuần tra của Indonesia đã bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc tải trọng 300 tấn tên là Kway Fey 10078 khi nó hoạt động gần quần đảo Natuna.
Bình luận (0)