Theo hãng tin Jiji Press hôm 2-7, đề cương cho rằng hoạt động bồi đắp đảo phi pháp ở biển Đông cho thấy Bắc Kinh tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Một ngày trước đó, Nhật Bản tuyên bố tăng cường gấp đôi số tàu tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, từ 6 chiếc hiện nay lên 12 chiếc. Khoảng 650 binh sĩ sẽ nhận nhiệm vụ tuần tra vùng biển này, theo lời các quan chức Tokyo.
Tàu Trung Quốc hung hăng phun vòi rồng về phía tàu Việt Nam ở biển Đông hôm 7-5-2014
Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
Trong khi đó, Trung Quốc hôm 3-7 đã nổi giận vì bị đánh giá trong văn bản “Chiến lược Quân sự quốc gia 2015”của Mỹ là “hung hăng và bất chấp luật pháp quốc tế”, “khiến châu Á - Thái Bình Dương thêm căng thẳng”.
Chưa hết, theo nghiên cứu của 2 học giả từng làm việc tại Trường ĐH Quốc phòng (Mỹ), Trung Quốc đang là nước “hung hăng nhất” trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Báo Stars and Stripes (Mỹ) hôm 2-7 cho biết 2 nhà nghiên cứu Christopher Yung và Patrick McNulty đã theo dõi hành động của các nước có tranh chấp trên biển Đông từ năm 1995 đến tháng 9-2013, chia những hành động đó theo 9 nhóm: quân sự, bán quân sự, kinh tế, hành chính, pháp lý, ngoại giao, thương thảo, quản lý tranh chấp và tuyên truyền.
Theo thống kê, Trung Quốc có 500 hành động đủ loại nhằm khẳng định chủ quyền ở biển Đông, trong đó có 148 hành động quân sự, bán quân sự. Theo sau Trung Quốc là Philippines với 300 hành động.
Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 2-7 cho biết hải quân nước này đã tập trận tái nạp tên lửa trong môi trường chiến đấu lần đầu tiên ở biển Hoàng Hải.
Bình luận (0)