Ông Du cho rằng tình hình biển Đông “không liên quan gì đến Nhật Bản”, đồng thời chỉ trích Tokyo cũng như Washington “không công bằng” khi chỉ lên án Bắc Kinh mà không đả động gì đến những nước cùng có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.
Trong khi đó, Thiếu tướng Chu Thành Hổ, giáo sư nghiên cứu chiến lược của Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có thể “để Mỹ tuần tra ở biển Đông” nhưng “không thể chấp nhận” Nhật Bản.
“Mỹ từng có các căn cứ quân sự tại Đông Nam Á - như ở Philippines và đang hợp tác quân sự với Singapore. Do đó, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở biển Đông là có thể chấp nhận đối với Trung Quốc” - ông Chu lập luận.
Ngoài ra, Trung Quốc còn lên tiếng yêu cầu Nhật Bản chính thức giải thích về thông tin các dự luật an ninh mới của nước này nhằm chống lại Bắc Kinh. Báo giới Nhật Bản dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe tại một cuộc họp kín cho biết các dự luật an ninh mới có thể cho phép Tokyo kề vai sát cánh cùng Washington trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh tại biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 30-6 nói rằng nếu thông tin này chính xác, Nhật Bản cần đưa ra lời giải thích rõ ràng. “Vì lý do lịch sử, bất kỳ chính sách an ninh quân sự hay khuynh hướng nào từ phía Nhật Bản cũng sẽ gây sự chú ý rộng rãi cho các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế. Bất kỳ hành động nào của Nhật Bản nhằm gây căng thẳng, kích động đối đầu đều sẽ không nhận được sự ủng hộ” - Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc dẫn lời bà Hoa.
Trong một diễn biến khác, tuần san Liêu vọng Đông phương, một phụ bản của Tân Hoa Xã số mới nhất, cho biết Hải quân Trung Quốc đã điều máy bay tuần tra các khu vực tranh chấp trên biển Đông ít nhất 5-6 năm qua. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự nước này lo ngại đang có hiện trạng thiếu đào tạo cho những nhiệm vụ như thế.
Bình luận (0)